Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakshtan (VCUFTA) có thể sẽ kết thúc đàm phán và được ký kết vào đầu năm 2015. Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, việc tham gia liên minh này sẽ khiến cho ngành thép phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Áp lực cạnh tranh Đối với ngành thép, việc tiêu thụ trong nước vốn đang gặp khó khăn do chênh lệch cung - cầu, thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, thì nay sẽ phải thêm áp lực cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Nga - nước có quy mô sản xuất thép hàng đầu thế giới có thể xuất khẩu vào Việt Nam với thuế suất 0% kể từ đầu năm 2015.
Việc tiêu thụ trong nước vốn đang gặp khó khăn do chênh lệch cung - cầu. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện tổng công suất thiết kế của toàn ngành thép khoảng hơn 10 triệu tấn/năm, tuy nhiên, thực tế nhu cầu hiện chỉ chiếm 50%. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, tìm kiếm thị trường do sản xuất nhiều, nhưng tiêu thụ thấp. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng 50 - 60% công suất, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Thời gian tới, các doanh nghiệp thép trong nước chuẩn bị phải đối mặt với sản phẩm thép của Nga khi đổ bộ vào thị trường với thuế suất 0%.
Về tiềm năng sản xuất thép của Nga, theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, hiện tổng lượng sản xuất của Nga đứng thứ 5 toàn cầu (đạt gần 70 triệu tấn/năm). Thép của Nga được tạp chí thép thế giới đánh giá là có chi phí sản xuất thuộc loại thấp nhất toàn cầu. Nga có tiềm năng rất lớn về nguồn nguyên nhiên liệu, khoáng sản để sản xuất thép.
Thêm nữa, từ năm 1980 - 1990, Nga đã tiến hành sản xuất với công nghệ cao, khoảng 80% sản xuất bằng lò cao, tiết kiệm nhiên liệu và nguồn năng lượng, thời gian sản xuất. Để sản xuất một tấn phôi, các doanh nghiệp Nga cần khoảng hơn 50 kWh điện, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì cần gấp hơn 10 lần (khoảng 500 - 600 kWh).
Tổng Giám đốc Công ty thép Kansai, ông Đào Ngọc Quân cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của doanh nghiệp trong nước hiện nay trong việc cạnh tranh với thép ngoại vẫn là yếu tố giá thành sản xuất. Các doanh nghiệp thép vừa và nhỏ trong nước chủ yếu có trình độ về công nghệ sản xuất còn yếu kém, năng lực quản lý chưa tốt, các chi phí sản xuất luôn ở mức cao.
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp đều không chủ động được về nguồn nguyên, nhiên liệu. Những yếu tố này khiến cho năng suất lao động của doanh nghiệp nước ta kém hơn rất nhiều so với doanh nghiệp của Nga. Giá bán các sản phẩm thép của doanh nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn giá bán thép của Nga “Do khả năng cạnh tranh thấp, doanh nghiệp thép sẽ gặp nhiều khó khăn khi thép Nga vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu về 0% ngay từ đầu năm 2015”, ông Quân lo ngại.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Chí Cường, nguyên chủ tịch VSA cho rằng, nếu để các sản phẩm thép Nga vào thị trường Việt Nam với mức thuế nhập khẩu về 0% ngay từ đầu năm 2015, sẽ có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị loại khỏi “cuộc chơi”. Ngành thép Việt Nam vẫn còn là một ngành còn nhiều hạn chế trong quy hoạch, phát triển chưa bền vững. Những doanh nghiệp lớn, có công suất khoảng 1 triệu tấn/năm, có lợi thế về giá thành và vốn thì sẽ có khả năng cạnh tranh, tuy nhiên con số này không nhiều.
Đề xuất lộ trình thuế phù hợpVCUFTA không phải là Hiệp định thương mại đầu tiên Việt Nam tham gia ký kết FTA. Việc các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những khó khăn, cạnh tranh là điều có thể lường trước. Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, hội nhập là không thể trì hoãn. Tuy nhiên, khi sản xuất trong nước vẫn còn yếu kém thì cần có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp có thể tham gia hội nhập mà không bị bóp nghẹt.
Vừa qua, VSA đã có kiến nghị gửi các bộ, ngành liên quan, đề xuất bảo hộ 41 mặt hàng trong nước với lộ trình giảm thuế 10 năm. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, việc ngành thép trong nước lo ngại phá sản là không có đủ căn cứ.
Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Quân cho rằng, các doanh nghiệp thép không xin chính sách bảo hộ hoàn toàn, mà cần một lộ trình cắt giảm thuế phù hợp, với thời gian có thể từ 5 hay 10 năm như VSA đã kiến nghị. Doanh nghiệp cần có thêm thời gian để tự nâng cao năng lực, cải tiến công nghệ, giảm giá thành sản xuất của chính mình trước khi hội nhập.
Theo ông Phan Đào Vũ, đại diện Công ty thép Việt Úc, sản xuất các mặt hàng thép hiện đang vượt quá lượng cầu của thị trường. Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn ảm đạm, nhu cầu tiêu thụ chưa cao..., thì việc sản xuất của doanh nghiệp dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những năm tới. Vì vậy, Nhà nước có thể có những chính sách bảo hộ trong thời gian đầu gia nhập VCUFTA để doanh nghiệp trong ngành có thể cải tiến công nghệ, nâng cao cạnh tranh, từng bước tham gia hội nhập.
Theo nhiều chuyên gia, với ngành thép nội địa còn non trẻ, thì việc cốt lõi là các doanh nghiệp tự nâng cao năng lực sản xuất và tìm hướng đi phát triển, chứ không thể trông chờ vào chính sách bảo hộ của Nhà nước. Tuy nhiên, để có thời gian khắc phục những tồn tại từ công nghệ lạc hậu, tiêu hao nguyên nhiên liệu..., thì việc đàm phán ký kết cắt giảm thuế quan cũng cần cân nhắc lộ trình phù hợp để hội nhập nhưng không bóp nghẹt và làm mất cơ hội của doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Đức Dũng