Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng 1/2020 ước đạt 556 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, xuất khẩu tôm đạt 251 triệu USD, tăng 7% còn xuất khẩu cá tra chỉ đạt 75 triệu USD, giảm tới 64%.
Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đạt 230 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu cá ngừ giảm 30% đạt khoảng 40 triệu USD, xuất khẩu mực- bạch tuộc giảm tới 50% còn 33 triệu USD.
Trong nhóm các thị trường chủ lực, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 20%, còn 98 triệu USD; xuất khẩu vào Mỹ giảm mạnh 36% còn 75 triệu USD. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) ghi nhận mức giảm tới 45%, chỉ còn 51,5 triệu USD.
Điểm sáng duy nhất trong hoạt động xuất khẩu thủy sản tháng 1/2020 là kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 127 triệu USD.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 là do trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên việc xuất nhập khẩu bị gián đoạn trong khoảng 10 ngày. Tiếp đó, đầu tháng 2 dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, do vậy hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.
Năm 2019, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị đạt 622,7 triệu USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu. Thời gian qua, nhu cầu sự tăng trưởng ổn định, giá tốt, chủng loại hàng hóa nhập khẩu và phân khúc thị trường đa dạng nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường chiến lược trong năm 2020. Chính vì vậy, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc bị gián đoạn thì cá tra là mặt hàng chịu tác động nhiều nhất.
Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, thị trường Trung Quốc hiện chiếm từ 20 - 30% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra của công ty. Từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, thực hiện công tác kiểm soát lây lan dịch COVID-19, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã nhiều lần thông báo tạm hoãn nhận các đơn hàng đặt trước và chưa có kế hoạch đặt thêm đơn hàng nào mới.
"Với những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lâu năm, đã có chiến lược đa dạng hóa thị trường từ trước thì sự gián đoạn xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ ảnh hưởng một phần đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ, mới hình thành trong giai đoạn xuất khẩu cá tra tăng trưởng nóng, chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu dịch COVID-19 không được khống chế sớm", ông Trần Văn Hùng chia sẻ.
So với cá tra, mặt hàng tôm được đánh giá ít chịu tác động hơn từ dịch bệnh do thị trường Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu tôm sú cỡ lớn từ Việt Nam nhưng thời điểm này tôm sú cỡ lớn đã hết vụ, sản lượng cuối mùa chỉ dùng trả hợp đồng các thị trường khác. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết hiện nay đang phải lưu kho các đơn hàng đặt trước của Trung Quốc do nhà nhập khẩu thông báo lùi thời gian giao hàng. Trong khi đó, giá tôm thế giới thời gian tới được dự báo sẽ giảm vì nguồn cung tăng mạnh.
Các nguồn cung cấp tôm lớn cho Trung Quốc như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan cũng đang gặp tình trạng tương tự của Việt Nam nên đồng loạt tìm thị trường thay thế, trong khi nhu cầu tiêu dùng tôm từ Hàn Quốc, Mỹ, EU cũng có xu hướng giảm do tâm lý e dè, lo ngại dịch bệnh ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành tôm trong năm 2020. Các doanh nghiệp hy vọng dịch COVID-19 sẽ sớm được khống chế và nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủy sản chế biến sâu sẽ tăng trở lại.
Theo tính toán của VASEP, trường hợp khả quan nhất là dịch COVID-19 được khống chế trong quý I/2020 thì xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong quý I/2020 cũng sẽ giảm ít nhất là 40% so với quý IV/2019. Xuất khẩu thủy sản trong các quý tiếp theo sẽ hồi phục và guồng sản xuất xuất khẩu lại vận hành bình thường trong nửa cuối năm.
Ngược lại trong tình huống dịch bệnh kéo dài hơn nữa, xuất khẩu vào Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo sự sụt giảm của các thị trường khác thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2020 có thể chỉ tăng trưởng khoảng 3 - 4% so với năm 2019.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, VASEP đã khuyến nghị, các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin từ đối tác phía Trung Quốc để tranh thủ thông quan các đơn hàng đặt trước ngay khi được phép, giảm thiểu chi phí bảo quản, kho bãi.
Tùy vào diễn biến thực tế, các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch chế biến và thông tin cho các vùng nuôi điều chỉnh thời vụ, sản lượng nguyên liệu cho phù hợp, tránh tình trạng dư thừa nguyên liệu, gây thiệt hại cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
Song song đó, hiệp hội cũng sẽ kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nuôi trồng bị thiệt hại thông qua việc giảm lãi suất vay vốn và gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.