Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo, việc xây dựng thể chế cần đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đề ra cho năm 2021.
Theo đó, ngành xây dựng sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc rà soát, sửa đổi các Nghị định liên quan đến đầu tư xây dựng, ban hành Thông tư và sửa đổi nhiều Thông tư theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cùng đó, Bộ Xây dựng sẽ nhanh chóng tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; nghiên cứu việc sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, triển khai xây dựng các Luật mới như Luật Quy hoạch không gian ngầm, Luật Cấp thoát nước…
Quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực thuộc chức năng của Bộ Xây dựng cũng sẽ được tăng cường cùng với việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; trong đó có việc chuẩn bị tốt cho các kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ với Cuba và Algeria vào cuối năm nay - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị các đơn vị được Bộ giao làm chủ đầu tư đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để duy trì sản xuất an toàn trong mọi tình huống.
Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề chung của dịch COVID-19 nhưng trong 3 quý của năm 2021, ngành xây dựng vẫn hoàn thành nhiều chỉ tiêu cơ bản trong phát triển, cụ thể là ở các lĩnh vực như quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng, đầu tư xây dựng...
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đã đạt 40,5%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 90,8%, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,8%, tiếp tục giảm 0,2%.
Cùng đó, chỉ số giá xây dựng cũng tăng so với cùng kỳ năm trước là 3,65%. Chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản tại một số tỉnh, thành phố lớn về cơ bản không có biến động về giá...
Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng toàn ngành chưa đạt mục tiêu so với kịch bản được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Trong xây dựng thể chế, việc đánh giá tác động chính sách, xử lý các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn còn hạn chế và chưa kịp thời. Việc triển khai lập quy hoạch và tổ chức thực hiện các định hướng, chiến lược, chương trình, đề án cấp quốc gia còn chậm và khó khăn trong việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia.
Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà cho thuê chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cổ phần hóa, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ còn chậm so với kế hoạch.
Do đó, nhiệm vụ của ngành xây dựng trong những tháng cuối năm là "hóa giải" các tồn tại này. Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ chủ động một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 như điều chỉnh hợp đồng xây dựng trong trường hợp bất khả kháng phải dừng thi công, giá vật liệu và nhân công tăng, chi phí xét nghiệm và chi phí phòng chống dịch.
Cùng đó là các giải pháp về phát triển nhà ở cho công nhân; phân cấp, ủy quyền cho địa phương thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ; giải pháp cho việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên công trường xây dựng…