Theo ông Trần Lưu Quang, nếu công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm, đến tháng 10/2020 không giải ngân được vốn, sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng tài trợ vốn của nhà tài trợ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến dự án tuyến metro số 2 mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, khả năng tiếp nhận các dự án khác của Thành phố. Do vậy, phải sớm hoàn thành công tác này để đủ điều kiện đàm phán với nhà tài trợ tiến hành các bước tiếp theo.
Ông Trần Lưu Quang cho rằng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng rất khó khăn, rắc rối, đề nghị các đơn vị chú trọng, huy động cả hệ thống chính trị để triển khai quyết liệt. Hàng tháng, Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sẽ họp để triển khai công tác này. Các quận, sở ngành phải phối hợp tốt, phát huy vai trò người đứng đầu, chủ động giải quyết các khó khăn trong phạm vi thẩm quyền, không “đùn đẩy”, né tránh trách nhiệm.
Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP Hồ Chí Minh (metro số 2) có chiều dài hơn 11 km; trong đó, có 9,1 km ngầm và hơn 1,9 km trên cao và chuyển tiếp, với 10 nhà ga. Dự án đi qua địa bàn 6 quận: Quận 1, Quận 3, Quận 10, Tân Bình, Tân Phú, Quận 12.
Theo quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 14/11/2019, dự án metro số 2 có tổng mức đầu tư là 47.890 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án là năm 2026. Sau khi khi hoàn thành, tuyến metro số 2 có khối lượng chuyên chở lên đến 140.000 hành khách/ ngày (giai đoạn 1 với tàu 3 toa) và 400.000 hành khách/ ngày (giai đoạn 2 với tàu 6 toa).
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, dự án tuyến metro số 2 có tổng diện tích thu hồi là 251.136 m2 với 602 hộ bị ảnh hưởng (toàn phần là 121 hộ). Trong đó, quận Tân Bình có số lượng hộ bị ảnh hưởng bởi dự án nhiều nhất (356 hộ), tiếp đó là Quận 3 (113 hộ). Đến nay, đã có 108 hộ nhận tiền, 53 hộ bàn giao mặt bằng.
Đối với di dời hạ tầng kỹ thuật, ông Bùi Xuân Cường cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương thực hiện di dời. Có 28 đơn vị quản lý chủ sở hữu các công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu vực các nhà ga. Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị đã thống nhất được phương án đối với các đơn vị có công trình viễn thông, điện lực và đang làm việc với các đơn vị có công trình cấp nước, thoát nước. Trên cơ sở thống nhất với các đơn vị, Ban sẽ báo cáo UBND Thành phố phương án và kế hoạch thực hiện trong tháng 2/2020.
Tại hội nghị, các địa phương đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án. Hiện các quận đã và đang rà soát các nội dung cụ thể để tháo gỡ trong thời gian tới. Dự kiến trong tháng 2/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ duyệt xong nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trên cơ sở đó, các quận cam kết sẽ hoàn tất cơ bản công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tháng 6/2020.