Nguyên nhân nợ thuế tăng so với thời điểm cuối năm 2021 do phát sinh lớn sau khi kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 4/2022, trong số đó có Công ty cổ phần xi măng Sông Lam, Công ty cổ phần Thiên Minh Đức, Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Sông Lam... Tuy nhiên, việc tăng nợ thuế này chủ yếu phát sinh mới trong tháng 5, 6/2022.
Trước thực tế số tiền nợ thuế lớn, Cục thuế Nghệ An đang đề ra nhiều giải pháp để thực hiện thu hồi nợ thuế. Trong đó, có việc giao chỉ tiêu thu nợ đến các Chi cục thuế, Phòng nghiệp vụ và cán bộ thuế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về thuế cũng như thực hiện nghiêm túc việc khoanh nợ, xóa nợ, miễn tiền chậm nộp, gia hạn tiền thuế theo Nghị quyết của Quốc hội cũng như các nghị định, hướng dẫn liên quan để hỗ trợ người nộp thuế.
Cục thuế công khai danh sách các đơn vị, cá nhân nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với sở, ngành đôn đốc, cưỡng chế thu nợ; phối hợp với Bộ Công an, Cục Quản lý xuất, nhập cảnh thực hiện thông báo cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ thuế.
Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, thu ngân sách nhà nước tại Nghệ An được 10.100 tỷ đồng, đạt 67,4% dự toán, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa 9.162 tỷ đồng, đạt 66,9% dự toán, bằng 100,3% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 937 tỷ đồng, đạt 72,1% dự toán, bằng 103,3% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách địa phương 15.303 tỷ đồng, đạt 49,3% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển 5.600 tỷ đồng, đạt 57,8% dự toán, chi thường xuyên 9.424 tỷ đồng, đạt 45,2% dự toán.