Tỉnh Nghệ An đang tiến hành đầu tư phát triển mạng lưới chợ nông thôn, nhằm kích cầu tiêu dùng và tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiện nay có đến 60% hàng hóa được lưu chuyển qua chợ nông thôn. Đây trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm nông sản, giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hóa, phân phối đến các chợ thành phố, thị xã trong tỉnh. Tuy nhiên, do chợ hình thành chủ yếu trước khi có quy hoạch, nên phân bổ không đồng đều giữa các vùng; hạ tầng chợ mà cụ thể là hệ thống điện, giao thông trong chợ, cấp thoát nước còn yếu kém; hệ thống phòng cháy chữa cháy, nguồn nước cung cấp chợ, phục vụ công tác chữa cháy không có hoặc rất ít; vệ sinh môi trường trong và ngoài chợ chưa được quan tâm.
Cần có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các chợ khu vực nông thôn. Ảnh minh họa. |
Những khó khăn về cơ sở vật chất đã phần nào ảnh hưởng đến việc mua sắm, lưu thông hàng hóa của người dân nông thôn. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, vẫn còn nhiều chợ tự phát hình thành do nhu cầu phục vụ tiêu dùng cho một bộ phận dân cư sinh sống trong thôn, xóm, bản, làng. Các chợ này chỉ họp vào buổi sáng, mỗi tuần có 2 đến 3 phiên, mỗi phiên chỉ diễn ra trong vài giờ, chủ yếu là các hộ nông nghiệp với các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống tự sản xuất và nuôi trồng đem đi bán, nên sản phẩm còn nghèo nàn. Sự bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý chợ đã gây nên lãng phí.
Không những đối với vùng nông thôn, mà ở thành thị, mặc dù hệ thống siêu thị khá nhiều, nhưng chợ truyền thống vẫn là sự lựa chọn số một của cả người mua và người bán. Theo ông Trần Đức Chính - Quyền Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương): Phát triển thương mại nông thôn, chú trọng là xây dựng chợ truyền thống, nhưng theo quy mô hiện đại, nghĩa là vẫn giữ nguyên thói quen mua sắm của người dân, nhưng phải có hạ tầng tốt, người tham gia kinh doanh hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phong cách bán hàng lịch sự. Các chợ nông thôn phải xây dựng theo quy hoạch, phù hợp với nhu cầu mua, bán của người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại địa phương, tránh tình trạng xây xong không có người họp.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ nông thôn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, việc xây mới chợ nông thôn phải kết hợp với các dịch vụ thương mại, văn hóa, đảm bảo diện tích kinh doanh và các dịch vụ phụ trợ. Chợ phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng như nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, nơi thu gom rác, nguồn nước sinh hoạt, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy. Hiện, tỉnh Nghệ An đang thực hiện chính sách đầu tư hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và các quy định Nhà nước.
Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 401 chợ được hỗ trợ đầu tư xây dựng từ năm 2010 - 2015, trong đó chợ hạng I là 19 chợ, chợ hạng II là 57 chợ và chợ hạng III là 325 chợ. Trong hai năm 2010 - 2011, đã có 87 chợ được đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo với nguồn vốn 91 tỷ đồng. Việc làm này từng bước thay thế chợ tạm, chợ cóc, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, mở rộng hệ thống thương mại đến các vùng dân cư, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Nghệ An cũng sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho bộ máy quản lý chợ.
Hoạt động của chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua đã tạo việc làm cho trên 100.000 lao động địa phương sau mùa vụ. Chợ nông thôn còn tiêu biểu cho phong tục tập quán vùng miền, vừa mua bán trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất ra, vừa giảm bớt khó khăn, tăng thu nhập cho người dân, người mua hàng được thuận tiện; tạo ra nguồn ngân sách đáng kể về thuế, phí và lệ phí cho địa phương. Chợ nông thôn Nghệ An còn góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, mở ra thương mại dịch vụ cho địa phương, thúc đẩy sản xuất kinh tế nông thôn phát triển.
Bích Huệ