Theo đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của ngành nhằm góp phần nâng cao vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng hướng tới việc cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh có liên quan đến ngành công thương theo xếp hạng tín nhiệm quốc gia của các tổ chức quốc tế.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, ngành công thương đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như việc tăng cường trách nhiệm, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các yếu tố môi trường kinh doanh.
Đáng lưu ý, tại Quyết định này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số có trách nhiệm cập nhật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan.
Mặt khác, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công.
Hơn nữa, Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế; tạo lập kênh phối hợp để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác.
Bên cạnh đó, các đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, và các đơn vị liên quan xây dựng chế độ báo cáo, theo dõi tình hình, kết quả cải thiện đối với các bộ chỉ số, chỉ số được phân công; cập nhật trên hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Công Thương, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Các đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu thống kê công bố trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế (khi được yêu cầu).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.
Đặc biệt, thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát;…
Ngoài ra, tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.
Cùng với đó, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình hành động, công khai các kết quả kiểm tra, giám sát và thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.