Cụ thể, năng suất vụ Đông Xuân này đạt 9 - 10 tấn/ha. Cùng đó, ngô giống SC25 được doanh nghiệp bao tiêu với giá 17.000 đồng/kg, giống SC29 bao tiêu 15.000 đồng/kg.
Gia đình ông Huỳnh Ni, Tổ hợp tác trồng ngô giống ấp Huyền Đức đang thu hoạch 3 công ngô giống SC29 (1 công = 1.000 m2), với năng suất đạt 1 tấn/công. Theo giá bán 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 24 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với ông trồng lúa trước kia trên cùng diện tích. Tổ hợp tác trồng ngô giống ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang hiện có 17 hộ trồng ngô giống trên diện tích 10 ha.
Cũng luân canh lúa, ngô giống, màu trên diện tích 6 công đất hơn 15 năm nay, ông Nguyễn Văn Vũ, thành viên Tổ hợp tác trồng ngô giống ấp Huyền Đức vui mừng cho biết: Năm nay, gia đình trúng mùa, trúng giá vụ ngô giống bởi năng suất và giá bán đều tăng so với năm trước.
Tham gia Tổ hợp tác sản xuất ngô giống, ông được Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam cung cấp giống ngô, hỗ trợ kỹ thuật suốt vụ. Đến kỳ thu hoạch, ngô giống được Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam bao tiêu nên nông dân yên tâm sản xuất, không phải lo vấn đề đầu ra.
Ông Trần Minh Vĩnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng ngô giống ấp Huyền Đức cho biết, những năm trước người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa nhưng vụ Đông Xuân thường xuyên bị thiếu nước tưới nên năng suất đạt rất thấp. Vì vậy, khi được địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hỗ trợ kỹ thuật, người dân mạnh dạn tham gia.
Các thành viên của Tổ hợp tác trồng ngô giống ấp Huyền Đức hiện nay hầu hết luân canh 3 vụ lúa, ngô giống, màu. Ngô giống được trồng ở vụ Đông Xuân, từ lúc trồng đến khi thu hoạch kéo dài 105 ngày. Nhiều hộ của Tổ hợp tác có thâm niên chuyển đổi trồng ngô giống hơn 20 năm, mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 3 lần so với trồng chuyên canh cây lúa trên cùng diện tích, cải thiện đáng kể thu nhập cho gia đình.
Theo ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, huyện có tổng diện tích đất nông nghiệp 26.673 ha; trong đó, có nhiều diện tích đất giồng cát và đất thịt pha cát, trồng lúa kém hiệu quả do không đủ nước tưới vào mùa khô nên năng suất thấp. Để tăng hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất, thời gian qua, địa phương tích cực vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng, vật nuôi khác.
Từ năm 2014 đến nay, huyện đã chuyển đổi trên 5.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu, và nuôi thủy sản. Năm nay tuy hạn, mặn đến sớm và cao hơn mọi năm, nhưng nhờ địa phương được tiếp nước ngọt từ Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 nên nước trong nội đồng vẫn đủ phục vụ các diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng
Mô hình trồng ngô giống được nông dân 2 xã Long Sơn và Nhị Trường thực hiện trên 20 năm nay mang tính bền vững cao nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ sản xuất đến bao tiêu, mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 1,5 lần trở lên so với trồng lúa trước đó. Hiện có 2 đơn vị liên kết với nông dân trên địa bàn sản xuất, bao tiêu ngô giống là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Syngenta Việt Nam và Công ty Giống cây trồng miền Nam.
Tỉnh Trà Vinh luôn khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đồng thời liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, đảm bảo thị trường tiêu thụ bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, 10 năm qua, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi trên 30.560 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác. Hầu hết các diện tích chuyển đổi đều cho hiệu quả cao hơn trồng lúa trước đó. Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh tiếp tục chuyển đổi 1.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.