Quýt vàng Bắc Sơn được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao… Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau. Sản phẩm quýt Bắc Sơn chủ yếu được bán cho các thương lái đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, các vùng lân cận và chợ.
Quýt Bắc Sơn được mùa trúng giá. |
Anh Triệu Văn Trác, chủ thương lái tại thành phố Lạng Sơn cho biết: “Quýt Bắc Sơn luôn được thị trường ưa chuộng, ra đến đâu bán hết đến đấy nên thương lái chúng tôi thường phải đặt hàng trước, thậm chí mua đứt cả vườn từ đầu năm và đặt cược được thua vào sản lượng của vườn khi đến mùa thu hoạch. Việc trông coi và chăm sóc quýt thương lái hoàn toàn yên tâm giao cho chủ vườn vì người dân nơi đây rất thật thà và loại cây này cũng không mất quá nhiều công sức để chăm sóc. Hơn nữa, quýt thường được trồng trong các thung lũng sâu trong các dãy núi, chỉ có thể vận chuyển ra ngoài bằng cách gánh gồng đi bộ hàng km”.
Quýt Bắc Sơn ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô nên sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 - 700 m so với mực nước biển. Vùng núi Bắc Sơn sở hữu đất đai tương đối màu mỡ, chủ yếu là đất feralit nâu đỏ hoặc màu vàng nên là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn, hiện toàn huyện có hơn 500 ha quýt. Quýt Bắc Sơn được thị trường ưa chuộng và đem lại lợi ích kinh tế cao nên thời gian gần đây người dân đã học tập nhau trồng quýt, mở rộng diện tích trồng mỗi năm. Hiện cây quýt đang là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.