Ngư dân chưa tiếp cận được vốn vay đóng mới tàu

Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành 10 Quyết định và 8 Thông tư hướng dẫn, bảo đảm chính sách sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, cho đến nay, các tổ chức tín dụng vẫn chưa thể giải ngân do các địa phương chưa phê duyệt danh sách ngư dân được tham gia chương trình.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Để ngư dân vững vàng vươn khơi” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 4/11.

Ngư dân chuyển cá ngừ từ tàu đánh bắt lên cảng Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN.


“Tắc” ngay tại cơ sở


Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 67 là chính sách tín dụng cho đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu khai thác, dịch vụ hải sản xa bờ. Đây là chính sách rất thông thoáng về việc hỗ trợ lãi suất, thời gian vay, tỷ lệ vốn đối ứng và tài sản thế chấp... đáp ứng được sự mong mỏi của ngư dân.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn trong Thông tư 22 của NHNN, ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu phải nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt thì mới liên hệ với ngân hành thương mại để làm hồ sơ vay vốn. “Đến thời điểm này, chưa có địa phương nào phê duyệt danh sách được vay vốn nên các ngân hàng chưa thể giải ngân”, ông Tuấn cho biết.

Lý giải về sự chậm trễ này, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ khai thác nguồn lợi thủy sản Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, đó là do chính quyền địa phương chưa thực sự nỗ lực, sát sao, đặc biệt là trong việc tuyên truyền cho ngư dân ở cấp cơ sở để họ tự nhận thấy có đủ điều kiện để tham gia chương trình hay không. “Hiện nay, do người dân háo hức, phấn khởi nên số lượng đăng ký rất đông trong khi chỉ tiêu phân bổ lại hạn chế, cán bộ cơ sở vì tình làng nghĩa xóm nên không dám chọn ai, bỏ ai. Điều này dẫn đến tình trạng “tắc” ngay từ cơ sở”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), một trong những lý do khiến nguồn vốn cho vay theo Nghị định 67 chậm đến với ngư dân còn là do đến ngày 15/10, Bộ NN&PTNT mới công bố 21 mẫu tàu vỏ thép, phù hợp cho 4 vùng biển với 5 loại nghề nên ngư dân không biết tàu vỏ thép đóng hết bao nhiêu tiền do đó chưa tham gia đăng ký vay vốn.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, mặc dù Bộ đã công bố toàn bộ mẫu tàu vỏ thép hơn nửa tháng nay, nhưng Đà Nẵng vẫn chưa nhận được văn bản hay bất cứ mẫu tàu nào.

Phân bổ tàu đóng mới phù hợp với quy hoạch

Theo phản ánh của ngư dân Lê Văn Sang (Hải Châu, Đà Nẵng), thực tế những mẫu tàu vỏ thép bàn giao cho ngư dân thời gian qua cho thấy nhiều điểm cần khắc phục như thiết kế cabin quá cao gây cản gió, tạo độ rung lắc lớn, bố trí nắp khoang chứa không phù hợp với việc ngư dân vận chuyển sản phẩm ra vào…

Trả lời thắc mắc này, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phạm Ngọc Tuấn cho biết, trên thực tế, những con tàu Hải Âu 01, Hoàng Anh 01, Sang Fish 01 đều là những con tàu khai thác hải sản vỏ thép đầu tiên trong cả nước, do Tổng công ty đóng tàu thủy Việt Nam thiết kế, đóng mới. Về mặt quy phạm, các thiết kế là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động khai thác thủy sản, các tàu này đã bộc lộ những thiếu sót.

“Thực tế đây là những bài học rất quý báu để Bộ NN&PTNT rút kinh kinh nghiệm ngay từ cách triển khai thực hiện, đến công tác đăng kiểm, công tác thẩm định lấy ý kiến ngư dân, tham khảo các mẫu tàu cá hiện đại. Chúng tôi khẳng định chắc chắn rằng 21 thiết kế mẫu lần này đã khắc phục được tất cả các nhược điểm mà các con tàu đầu tiên đã mắc phải”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, những băn khoăn của ngư dân về chỉ tiêu phân bổ đóng mới tàu giữa các địa phương cũng được nêu ra. Một ngư dân tại Quảng Nam cho biết, chỉ tiêu đóng mới của tỉnh là 92 tàu trong khi danh sách đăng ký lên đến 150 tàu. Chia sẻ vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, việc phân bổ chỉ tiêu là để đảm bảo đúng quy hoạch của ngành khai thác thủy sản đến năm 2020 đồng thời nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi không cho đóng mới tàu tràn lan mà chú trọng nâng cao công suất, chất lượng, vươn khơi bám biển dài ngày.

Cụ thể, theo quy hoạch phát triển đội tàu đến năm 2020, tổng số tàu khai thác sẽ là 110.000 chiếc, trong đó có 30.000 tàu khai thác xa bờ. Hiện nay, cả nước có 28.000 tàu khai thác xa bờ. Bộ NN&PTNT quy định chỉ phát triển đóng mới 2.079 tàu là phù hợp với quy hoạch tổng thể Chính phủ đã phê duyệt. Số tàu này sẽ được phân bổ cho 28 tỉnh, thành phố ven biển dựa trên các nghề khai thác, trình độ phát triển nghề của các địa phương.

“Cuối năm 2016, Bộ sẽ đánh giá tổng kết, trong đó có số lượng tàu phân bổ, nếu tỉnh nào chưa sử dụng hết số tàu được phân bổ sẽ chuyển cho địa phương khác thực hiện tốt hơn. Việc phân bổ số lượng tàu trên nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo nguồn lợi thủy sản”, ông Tuấn cho biết.


Thu Phương




Quảng Ngãi triển khai kế hoạch đóng mới tàu cá
Quảng Ngãi triển khai kế hoạch đóng mới tàu cá

Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, theo phân bổ của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi được đóng mới 189 tàu gồm 174 tàu khai thác và 15 tàu dịch vụ hậu cần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN