Đề cập tới gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển, chuyên gia kinh tế - TS Cao Sỹ Kiêm nói: “Đây là gói tín dụng có thủ tục vay thông thoáng với lãi suất thấp 3%. Trước đây chúng ta đã có những chính sách ưu đãi tới ngư dân, vốn chúng ta có nhưng cơ chế chưa hoàn chỉnh. Lần này được tập trung chỉ đạo cao, khả năng sẽ giải quyết kịp thời mọi vướng mắc”.
Lãi suất thấp; xử lý hồ sơ vay vốn trong 4 ngày
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị đầu tiên tham gia triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.Theo đó, BIDV công bố sẽ dành 3.000 tỷ đồng cho vay phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ chủ tàu là ngư dân, doanh nghiệp để đóng/mua mới, cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác, cung cấp dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản xa bờ.
Tàu công suất lớn được đóng mới tại HTX Cơ khí Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi.Ảnh: Thanh Long - TTXVN |
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho biết: BIDV cam kết thủ tục vay vốn đối với khách hàng ngắn gọn, đơn giản, xử lý trong thời gian 4 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ vay vốn. Sau khi khảo sát, BIDV đã lựa chọn Bình Định và Quảng Ngãi là 2 địa phương có số lượng tàu đánh bắt lớn nhất tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa làm thí điểm triển khai chương trình tín dụng, theo đó sẽ ký hợp đồng tín dụng cho vay trung dài hạn đầu tư tàu ngay trong tháng 6/2014, sau khi Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành.
Theo ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV, về vốn vay đóng tàu vỏ thép, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu (kể cả ngư lưới cụ, trang thiết bị) với lãi suất 2 - 3%/năm, thời hạn cho vay là 12 năm. Đối với tàu vỏ gỗ, BIDV sẽ cho ngư dân vay 70% giá trị con tàu với lãi suất 5% trong thời hạn 7 năm. Theo ông Tú, để đảm bảo khả năng thu hồi khoản vay, BIDV ưu tiên những ngư dân có kinh nghiệm, lão luyện trên ngư trường. Những ngư dân đánh bắt theo mô hình tổ đội, tham gia các hiệp hội, nghiệp đoàn sẽ được ưu tiên tiếp cận vốn vay.
“Các mức lãi suất ưu đãi trên đối với ngư dân thì vô cùng hợp lý, còn với ngân hàng là chưa hợp lý. Vì xét về kinh doanh ngân hàng lỗ vì lãi suất huy động là 6% mà cho vay 3%. Nhưng vì nghề cá trên biển có tính quốc phòng an ninh nên Nhà nước phải có sự hỗ trợ. Phần chênh lệch Nhà nước hỗ trợ không phải đưa tiền mặt mà đưa vào chi phí, giảm phần nộp của ngân hàng. Trước đây, các ngân hàng thay vì ghi vào phần chi phí là 6% thì phải nộp theo số này, chẳng hạn là 10.000 đồng nhưng bây giờ chỉ tính 3% thì chỉ nộp 6.000 - 7.000 đồng”, ông Cao Sỹ Kiêm nói.
Cơ chế tín dụng cho vay đồng bộ, mở rộng đối tượng
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN: Lý do trước kia việc tiếp cận vốn của ngư dân rất khó khăn là: Để đóng được một con tàu có thể ra khơi xa cần nguồn vốn lớn, thí điểm đóng tàu vỏ thép tại Quảng Ngãi cho thấy số tiền phải bỏ ra là 23 tỷ đồng. Như vậy tài sản của ngư dân không thể đủ để thế chấp. Ngay bản thân ngư dân cũng không dám vay số tiền lớn như vậy để đóng tàu, bởi ra khơi hiện nay phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai cũng như tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Thậm chí việc sử dụng chính con tàu đó làm tài sản thế chấp cũng không có gì đảm bảo là không có rủi ro.
Theo ông Trần Bắc Hà, so với Quyết định 393/QĐ - TTg (chương trình hỗ trợ đánh bắt xa bờ trước đây), cơ chế tín dụng theo Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản có sự đồng bộ, đầy đủ, có phạm vi và đối tượng rộng hơn. Cơ chế mới tạo chủ động cho TCTD lựa chọn người vay có kinh nghiệm, có năng lực tài chính, có khả năng quản lý tốt nhất để đảm bảo việc sử dụng vốn, khai thác tài sản có hiệu quả, tăng khả năng thu hồi vốn. |
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng: Việc thiếu liên kết giữa các chủ tàu, các cơ sở hậu cần nghề cá và ngân hàng khiến ngân hàng không kiểm soát được dòng tiền cho vay và trả nợ. Theo đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD), nguồn vốn ngân hàng cho vay theo tín dụng thương mại là vốn huy động từ dân cư. Vì vậy việc cho vay đóng tàu với số tiền lớn, thời hạn dài, rủi ro cao và thiếu tài sản bảo đảm đã khiến các tổ chức tín dụng hết sức thận trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tín dụng.
Tuy nhiên với gói tín dụng mới này, nhiều chuyên gia ngân hàng đã kỳ vọng tính khả thi cao hơn. “Chính sách ưu đãi lần này có 3 điểm khác so với các chính sách trước đây. Thứ nhất: Tất cả các điều kiện vay được đồng bộ hơn. Tiền đã có, cơ chế đầu tư cũng đã có và quan trọng nhất đó là được sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ, ngân hàng và chính quyền địa phương. Thứ hai, nghiệp vụ cho vay có thể khẳng định là đồng bộ hơn. Ngư dân có nhu cầu vay thì chắc chắn sẽ vay được ngay.
Cụ thể, là tài sản thế chấp được dùng tài sản hình thành để thế chấp, lãi suất vay giảm mạnh, không chỉ Nhà nước sẽ bù lãi suất mà ngân hàng cũng bù. Đây là mức lãi suất bằng 1/2 mức lãi suất vay ngắn hạn hiện nay và bằng 1/3 lãi suất vay dài hạn. Thứ ba, thời hạn vay lần này được kéo dài hơn, cụ thể là từ 10 - 12 năm, tàu đóng mới đều được mua bảo hiểm nên khả năng rủi ro ít. Đây là những điều mới thuận lợi khi triển khai”.
Chuyên gia Cao Sỹ Kiêm chia sẻ thêm: Thông thường khi cho vay các lĩnh vực rủi ro cao thì ngân hàng đều có quy định chia sẻ rủi ro với lĩnh vực bảo hiểm, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến thiên tai, dịch họa... Hiện nay, cơ chế bảo hiểm đối với các khoản vay của ngân hàng cũng rất thông suốt và bảo hiểm vẫn đáp ứng nhu cầu mua bảo hiểm. Riêng với gói cho vay ưu đãi lần này, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo nên các đơn vị liên quan sẽ phải thực hiện nghiêm túc và phải làm thông suốt.
Đặc biệt, tất cả các TCTD sẽ tham gia và tất cả các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện vay vốn theo hướng dẫn của NHNN và quy định của các ngân hàng thương mại (NHTM) đều có thể vay. Các NHTM được chủ động lựa chọn người vay, không phải chỉ lựa chọn trong danh sách theo đề nghị của các cấp chính quyền địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế, rút kinh nghiệm từ các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đánh bắt xa bờ, Chính phủ nên giao cho từng bộ, ngành, địa phương một cách bài bản, tránh trường hợp làm phong trào; các thủ tục cho vay phải gọn nhẹ. Người dân khi tiếp cận với nguồn vốn này phải được các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, đặc biệt là Hội Nghề cá của các địa phương tư vấn, hướng dẫn, kể cả việc đóng tàu như thế nào? khi ra khơi ra sao? Để đồng vốn bỏ ra phải thu được hiệu quả.
Minh Phương