Nhiều tàu tất bật tập kết đá, chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết để vươn khơi, bám biển những ngày cận Tết với hy trở về với đầy ắp hải sản, chuẩn bị đón một cái Tết ấm no, sum vầy.
Ông Lê Văn Xin, chủ tàu ĐNa 90026 TS trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà chia sẻ, cũng giống chuyến vươn khơi đầu năm mới, chuyến đi biển vào những ngày cuối năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi ngư dân. Ngoài đánh bắt hải sản để cung cấp cho thị trường dịp Tết, trước khi ra khơi, hầu hết các chủ tàu đều làm mâm cơm “tất niên” để cảm tạ các vị thần linh đã phù hộ cho một năm đi biển thuận buồm xuôi gió. Bởi vậy, dịp này được chuẩn bị rất chu đáo để đón chuyến tàu may mắn trở về.
Ngư dân đưa hải sản lên bờ tiêu thụ tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). |
Với kinh nghiệm gần 40 năm đi biển, ông Xin cho biết, đây là khoảng thời gian giao mùa giữa các vùng thời tiết trên biển nên việc khai thác hiệu quả hơn những chuyến đi khác trong năm. Tàu về dịp năm mới, các loại thủy, hải sản tươi hơn nên thương lái rất thích mua, bán được giá. Gia đình ông đang gấp rút sửa sang lại con tàu ĐNa 90863 TS, công suất 800 CV để kịp cho chuyến vươn khơi "xông biển" đầu năm mới vào ngày 18/12 (âm lịch) và kịp quay về ăn Tết cùng gia đình.
Khác những chuyến đi biển trước đó, chuyến đi biển lần này có ý nghĩa quan trọng đối với con tàu ĐNa 90105 TS, do ông Hồ Văn Cung, trú tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê làm thuyền trưởng. Ông Cung cho biết, năm nào cũng vậy, cuối năm, ngư dân đều tất bật cho chuyến đi biển cuối cùng với nhiều niềm tin và hy vọng. Nếu trúng mẻ lưới cuối năm sẽ được cho là điềm lành nên ai cũng cầu mong cho cá nặng lưới đầy để vui vẻ đón năm mới tươm tất.
Theo ông Cung, những ngày cận Tết, chỉ có các tàu lớn của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ là ăn Tết trên biển dài ngày bởi đây là mùa khai thác cá ngừ đại dương. So với những chuyến đi trước đó, đối với ngư dân khai thác cá ngừ đại dương phải chi phí cao hơn bởi ngoài lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết, chuyến đi biển lần này sẽ có thêm cả bia, rượu, nước ngọt, hạt dưa, bánh kẹo, gà... để ăn Tết trên biển.
Còn ngư dân Đà Nẵng, hầu hết làm nghề chụp mực và đánh bắt các loại cá nhỏ nên chỉ đánh bắt ven bờ từ Quảng Trị đến Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày rồi về đất liền đón Tết do vậy chi phí thường thấp hơn những chuyến đi biển dài ngày trước đó. Hiện, tàu của ông Cung đã chuẩn bị xong các nhu yếu phẩm cần thiết để ngày 16/12 (âm lịch) sẽ cùng 4 con tàu thuộc nghiệp đoàn nghề cá phường Thanh Khê Đông vươn khơi để khai thác thủy, hải sản.
Chuẩn bị cho chuyến đi biển sắp tới, ông Hồ Ngọc Bé cùng các thuyền trên tàu ĐNa 90105 TS đang tất bật chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, cũng như đan lại từng mảnh lưới để vươn khơi. Ông Bé cho biết, những ngày qua, nghe tin có áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông nên anh em thuyền viên trên tàu rất lo lắng. Khi áp thấp nhiệt đới tan, anh em chẳng ai bảo ai, mỗi người một việc tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm để ra biển. Chuyến đi biển cuối năm, chủ tàu sẽ trả cao hơn so với ngày thường và có thêm thu nhập nên anh em thuyền viên rất phấn khởi khi Tết đang đến gần...