Người chăn nuôi lao đao do dịch cúm gia cầm

Người chăn nuôi đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng do dịch cúm gia cầm. Giá trứng, gà, vịt và các loại gia cầm đều giảm mạnh, thậm chí giảm tới hơn một nửa so với trước khi có dịch cúm gia cầm.


Giá gia cầm giảm mạnh


Dịch cúm gia cầm khiến nhiều người dân không còn “mặn mà” sử dụng các sản phẩm từ gia cầm như: gà, vịt, trứng… Nhu cầu giảm mạnh, giá gia cầm “rơi” tự do, nhiều hộ chăn nuôi “khóc dở, mếu dở”.

 

Người dân đang thờ ơ với các sản phẩm từ gia cầm.


Trước đây, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có 765 hộ gia đình với khoảng 2.800 khẩu, trong đó có hơn 250 hộ dân chăn nuôi gà. Nhưng vào thời điểm hiện tại, chỉ còn 170 hộ nuôi gà với số lượng hơn 140.000 con.


“Số hộ nuôi giảm mạnh do giá cả xuống thấp, cộng với tình hình thời tiết diễn biến bất thường nên một số hộ dừng chưa tái đàn, hoặc nuôi cầm chừng”, ông Vũ Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm cho biết.


Giá cả bấp bênh, dịch cúm đang diễn biến phức tạp khiến nhiều hộ dân không dám mạnh dạn tái đàn, tăng cường sản xuất. Ông Nguyễn Hồng Tiến, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang cho biết, trong năm 2013, có lúc giá gà màu lên đến 80.000 đến 100.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 35.000 đồng/kg. Giá trứng gia cầm cũng giảm một nửa so với trước khi có dịch, còn khoảng 1.200 đồng/quả.


Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng - Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện giá các sản phẩm gia cầm giảm đáng kể. Tại Hà Nội, giá gà lông màu chỉ còn 35.000 - 39.000 đồng/kg, gà công nghiệp 25.000 - 29.000 đồng/kg, giảm 20% so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt, trứng gà công nghiệp cũng giảm mạnh, chỉ còn 1.200 - 1.500 đồng/quả; con giống gia cầm giảm tới 70%, dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/con.


Qua khảo sát tại các chợ Hôm, Nguyễn Công Trứ, Lê Quý Đôn, Khương Đình… cho thấy, các quầy bán gia cầm đều rất vắng khách, mặc dù nhiều sản phẩm đã được làm sẵn. Chị Nguyễn Thu Hải, tiểu thương bán thịt gà, vịt làm sẵn tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết: “Từ khi dịch cúm gia cầm được thông báo rộng rãi trên đài báo, lượng gia cầm tiêu thụ giảm hẳn. Không chỉ người tiêu dùng, các tiệm ăn, nhà hàng cũng giảm số lượng đặt hàng gia cầm. Nguyên nhân là do người dân ngại ăn thịt gia cầm trong khi dịch đang xảy ra. Họ chuyển sang tiêu thụ các loại thịt khác như: thịt lợn, bò, hải sản…".


Trước tình trạng cung cầu gia cầm đang có dấu hiệu mất cân bằng nghiêm trọng, Cục Chăn nuôi khuyến cáo các địa phương cần tuyên truyền để người tiêu dùng không nên hoang mang, tẩy chay các sản phẩm gia cầm.


Không nên “quay lưng” với sản phẩm gia cầm


Theo Cục Thú y, người dân hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y và chế biến đúng cách.


Theo ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), điều quan trọng là phải tuyên truyền giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm an toàn, sản phẩm có thương hiệu uy tín để yên tâm sử dụng. Nếu người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi thì không chỉ doanh nghiệp mà ngành chăn nuôi sẽ thiệt hại nặng nề.


Các chuyên gia nông nghiệp dự báo, nếu tiêu thụ gia cầm tiếp tục giảm trong thời gian tới thì người chăn nuôi sẽ không tái đàn. Như vậy, trong khoảng 2 - 3 tháng tới, nguồn cung thực phẩm sẽ giảm mạnh và giá sẽ tăng lên. Khi đó có thể sẽ xảy ra tình trạng nhập lậu các sản phẩm gia cầm do giá trong nước và nhập khẩu chênh lệnh.


Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, nếu bây giờ người chăn nuôi “bỏ chuồng” thì sau vài tháng nữa, khi giá gia cầm tăng trở lại thì sẽ không có sản phẩm để bán.


Để chuẩn bị nguồn con giống cho các hộ chăn nuôi tái đàn nhanh chóng, Bộ NN&PTNT đã cho phép xây dựng mô hình sản xuất giống tại 7 tỉnh biên giới phía Bắc. Dự kiến sẽ được triển khai ngay trong tháng 3.


Đồng thời, Cục Thú y cũng khuyến khích người chăn nuôi hình thành mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó thực hiện đóng cửa định kỳ tại các chợ chuyên kinh doanh gia cầm để vệ sinh tiêu độc.


Theo ông Văn Đăng Kỳ, để đối phó với dịch thì người dân phải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, mật độ chăn nuôi thấp hơn chứ nếu chăn nuôi nhiều mà không an toàn thì rất đáng lo. Mỗi tuần cần thực hiện 2 lần khử trùng tiêu độc, không để vi rút có thể phát tán ra môi trường tạo nên ổ dịch cúm.


Theo Bộ NN&PTNT, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về dịch cúm gia cầm, tuyên truyền vừa phải không gây tâm lý hoang mang, không để người dân “quay lưng” lại với các sản phẩm gia cầm.


Bài và ảnh: H.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN