Người dân Mường Lay thiếu đất sản xuất

Đã hơn 10 năm nay, kể từ ngày hàng ngàn hộ dân thị xã Mường Lay bắt đầu tháo dỡ nhà cửa, di dời khỏi nơi sinh sống để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La, chính quyền địa phương và nhân dân trong khu vực vẫn đang loay hoay về bài toán chưa có lời giải là thiếu đất sản xuất.

Cơ hội “đổi đời”

Khi Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng, trên 4.000 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, sinh sống tại thị xã ngã ba sông chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Thung lũng Mường Lay vốn khá trù phú với những cánh đồng lúa chạy dọc theo con suối Nậm Lay hay bãi bồi ven sông Đà trồng đủ các loại rau màu cung cấp cho khu vực. Cây lương thực bà con trồng được đủ để nuôi sống gia đình và bán đi phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm. Cuộc sống tuy chưa thật sung túc nhưng người dân địa phương cũng không phải lo lắng nhiều về cái ăn, cái mặc trước mắt.  

Từ năm 2006, thị xã Mường Lay bắt đầu triển khai các dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Trong số hơn 4.000 hộ phải di dời, có trên 2.000 hộ dân được bố trí tái định cư tại chỗ theo hình thức di vén, nghĩa là di dời lên các triền đồi cao hơn xung quanh vùng lòng hồ thủy điện. Trong những năm đầu tiên, chính quyền địa phương và nhân dân thị xã tập trung vào công tác xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng. Lương thực để sinh sống hàng ngày được Nhà nước hỗ trợ, tiền làm nhà có chính sách bồi thường nên cư dân nơi đây chưa phải nghĩ đến chuyện sinh kế lâu dài. Theo phương án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, phần lớn các hộ dân sống bằng nông nghiệp ngày trước được chuyển đổi sang thành phần phi nông nghiệp như: Làm dịch vụ, buôn bán, đánh bắt thủy sản, nghề thủ công…  

Sau 10 năm tái định cư, ổn định cuộc sống, hàng nghìn hộ dân vẫn đang thiếu đất sản xuất.

Sau một thời gian bận rộn lo xây dựng nhà cửa, hàng ngàn hộ dân sinh sống trên địa bàn bắt đầu phải suy tính về phương kế mưu sinh lâu dài với cả ngàn nỗi lo hiển hiện trước mắt. Theo quy định, đến năm 2016, các hộ dân thuộc diện tái định cư không còn được hỗ trợ lương thực hàng tháng nữa. Từ mấy năm nay, người dân trên địa bàn bắt đầu tìm sinh kế cho tương lai. Những người trẻ tuổi đi làm thuê cho các doanh nghiệp thi công các công trình xây dựng trên địa bàn; người cao tuổi thì quay về với nghề đan lát; các hộ sinh sống ven sông sắm thuyền đi đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ. Đến khi các công trình xây dựng đã hoàn thành, tôm cá đánh mãi cũng cạn kiệt, nghề thủ công chủ yếu là đan cót phục vụ cho các công trình xây dựng không còn nguồn tiêu thụ…, người dân muốn quay về với nghề nông cổ truyền thì đã không còn đất để sản xuất.  

Hậu tái định cư

Phường Sông Đà là 1 địa phương khá điển hình của thị xã Mường Lay, đang loay hoay với bài toán “hậu tái định cư thủy điện Sơn La”. Ông Trần Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: Là địa phương khó khăn nhất của thị xã, cả phường có 311 hộ dân thì có tới gần 24% hộ nghèo, 30% hộ cận nghèo. Hiện tại, có 60% số hộ dân sống bằng nghề nông nghiệp, song không có ruộng mà chỉ có 5ha đất nương tạm giao để trồng ngô, mỗi năm thu hoạch trên 100 tấn, chia bình quân mỗi người được khoảng 1 tạ/năm. Trong 6 tổ dân phố, có tổ 1 và 2 tham gia nghề đánh bắt thủy sản, song sản lượng quá thấp, cũng chỉ đủ phục vụ cho cải thiện cuộc sống chứ chưa thành hàng hóa bán ra thị trường. Trước đây có vài gia đình đã thử nghiệm nghề nuôi trồng thủy sản, song mực nước lòng hồ không ổn định nên không thành công. Chính quyền địa phương có tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho bà con chuyển đổi nghề nghiệp như   nghề sửa chữa xe máy, trồng nấm, chăn nuôi nhưng học xong hầu hết không thể áp dụng vào thực tế cuộc sống vì mở cửa hàng sửa chữa quá nhiều thì không có khách; trồng nấm không bán được do thị trường cung vượt quá cầu; chăn nuôi càng khó vì quy hoạch dân cư với mật độ cao như vậy, nuôi nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh…  

Ông Lường Văn Anh, Bí thư Chi bộ Tổ 6 (phường Sông Đà), đưa chúng tôi đến thăm khu đất rộng chừng hơn 1,5 ha, mới san gạt chia cho 47 hộ dân của bản để làm ruộng. Giữa cái nắng hè thiêu đốt, hàng chục hộ dân ở đây vẫn hì hục bổ những nhát cuốc xuống nền đất rắn câng chỉ toàn đá xít. Ông Anh cho biết: Đây là bãi đổ đất thải của 1 dự án xây dựng, chia cho bà con Tổ 6 cải tạo làm ruộng nhưng đất đồi đào từ nơi khác đưa về toàn đá xít, khu vực này lại không có nguồn nước, chỉ dựa vào nước tự nhiên, bà con đã có gắng cải tạo vài vụ rồi nhưng chưa trồng cấy nổi loại cây gì. Đã vậy, diện tích lại quá ít, mỗi hộ chỉ được chia vẻn vẹn 350 m2, nếu ruộng thật tốt thì cũng chỉ thu được 3-4 tạ thóc. Tình hình này, chắc phải cải tạo vài năm nữa, đầu tư thêm hệ thống thủy lợi mới có thể trồng lúa được. Trước đây khi chưa tái định cư, ruộng đất cả bản làm không hết. Từ năm 2011- 2013, thanh niên còn đi làm thuê vì còn nhiều công trình xây dựng. Đến nay thì đi làm thuê cũng hết việc, ruộng đất không có, muốn vào rừng lấy tre nứa về đan lát nhưng nước hồ cạn quá, không vận chuyển được. Cả bản giờ sống nhờ 4-5 ha đất nương trồng ngô nhưng đây là diện tích quy hoạch rừng, tạm giao cho dân mượn canh tác, chưa biết lúc nào Nhà nước sẽ thu hồi lại… 
 
Một số địa bàn trong khu vực, cuộc sống của người dân có vẻ khá hơn, song nỗi lo về đất sản xuất vẫn thường trực trong suy nghĩ của mỗi gia đình. Ông Mào Văn Đợi, Trưởng bản Chi Luông 1 cho biết: Sau khi tái định cư, bà con đã có nhà cửa đàng hoàng hơn, việc đi lại cũng thuận tiện nhiều, cũng có thêm nhiều nghề để làm như đến mùa nước lên thì đi vớt củi, đi đánh bắt cá, vì 30% số hộ trong bản có thuyền. Điều lo nhất bây giờ là con cháu sau này không có đất sản xuất, vì nghe nói đến năm nay sẽ không được hỗ trợ gạo nữa. Bản có 42 hộ, nhưng chỉ có hơn 1 ha đất ruộng ở bãi số 1 Nam Đồi Cao, mỗi nhà được chia 300 m2 trồng 2 vụ…  

Theo lãnh đạo chính quyền thị xã Mường Lay: Thiếu đất sản xuất hiện vẫn là vấn đề nan giải của địa phương này, bởi hiện tại không còn quỹ đất để quy hoạch nữa, đất khai hoang mới tạo được hơn 80 ha. Bãi đất bán ngập dưới lòng hồ thủy điện Sơn La có diện tích khá lớn, hiện địa phương đã tạo được hơn 100 ha. Đất bán ngập rất khó khăn về nguồn nước tưới, lại là đất bạc màu. Muốn cải tạo diện tích này cần đầu tư hệ thống thủy lợi, trong khi về nguyên tắc, đây là diện tích thuộc chủ sở hữu khác nên không thể đầu tư công trình cứng. Lãnh đạo chính quyền đã tính đến phương án điều đình với Ban quản lý công trình thủy điện Sơn La để mượn đất, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước không cố định để cải tạo diện tích này, tăng quỹ đất sản xuất cho nhân dân trên địa bàn. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục kêu gọi các nguồn lực đầu tư để giải quyết việc làm cho người dân có thêm thu nhập; đồng thời đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Đề án “Hậu tái định cư” để tạo thêm nguồn lực, cơ chế cho nhân dân thực hiện sản xuất tốt hơn, có thêm thu nhập để có cuộc sống ổn định hơn.
Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng
Bản tái định cư thiếu đất sản xuất
Bản tái định cư thiếu đất sản xuất

Năm 2010, để phục vụ công trình thủy điện Hủa Na, cùng với 7 bản khác trong xã, người dân bản Ăng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An di dân lên điểm tái định cư mới. Mặc dù đồng bào đã được hỗ trợ đời sống từ dự án tái định cư, nhưng do thiếu đất sản xuất, nên tỷ lệ hộ tái nghèo rất cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN