Dẫn kết quả khảo sát do tập đoàn ngân hàng tư nhân Đức Deutsche Bank thực hiện, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết 41% người Mỹ lựa chọn không mua đồ “Made in China” và 35% người Trung Quốc trả lời tránh mua sản phẩm “Made in USA”.
Theo Apjit Walia – nhà phân tích tại Deutsche Bank, mặc dù phần lớn người tiêu dùng hai nước không có ý định loại bỏ hoàn toàn hàng hóa của nhau, song kết quả khảo sát vẫn chỉ ra sự gia tăng trong tư tưởng chủ nghĩa dân tộc thương mại và không mấy quan tâm tới xu hướng toàn cầu hóa.
Trong một cuộc khảo sát khác do công ty tư vấn doanh nghiệp FTI tại Washington thực hiện, 78% người Mỹ tham gia trả lời họ sẵn sàng chi mức giá cao hơn cho một sản phẩm nếu như công ty đó đưa dây chuyền sản xuất rời khỏi Trung Quốc, trong khi 55% người cho rằng họ không nghĩ có thể tin tưởng Trung Quốc thực hiện đúng những cam kết có trong thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" hai nước ký hồi tháng 1.
Theo thỏa thuận, Bắc Kinh cam kết mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và các dịch vụ của Mỹ trong hai năm, đổi lại Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù mua thêm đậu tương và năng lượng từ Mỹ, song Trung Quốc cũng tăng lượng mua từ các nước khác và giảm hơn 2 lần tỷ lệ mua trong khung thời gian hai năm của thỏa thuận.
Do hoài nghi về việc Trung Quốc tuân thủ cam kết mua hàng, ngày 11/5, Tổng thống Trump khẳng định ông không ủng hộ Mỹ mở lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc về thỏa thuận "Giai đoạn 1". Bên cạnh đó, Chính quyền Washington chỉ đạo không đầu tư các khoản tài sản trợ cấp liên bang vào các thực thể của người Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ sửa đổi một quy định xuất khẩu nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei.
Việc người Mỹ ngày càng không tin tưởng các sản phẩm Trung Quốc một phần được thúc đẩy do những phát ngôn từ quan chức Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump.
Giới phân tích cho rằng khi chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhà lãnh đạo Donald Trump sẽ nhắm mục tiêu tới Trung Quốc để đánh lạc hướng dư luận không còn chú ý quá tới cách ứng phó đại dịch của chính quyền cũng như những thiệt hại mà dịch bệnh gây ra với nền kinh tế nước nhà.
“Sự tức giận, cảm xúc đang dâng trào trong người dân hai nước, và các nhà chính trị biết rõ điều này. Họ sẽ khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn vì năm nay là năm bầu cử ở Mỹ”, chuyên gia Walia lý giải.