Hiện Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh chỉ thu mua với giá 800 đồng/kg đối với mía đạt 10 chữ đường, giảm 50 đồng/kg so tuần trước và giảm 100 đồng/kg so với niên vụ trước. Nếu chữ đường tăng trên 10 CCS thì công ty mua tăng thêm 10%/chữ và ngược lại, chữ đường giảm dưới 10 CCS thì mua giảm 10%/chữ.
Không chỉ giá xuống thấp, niên vụ này các ruộng mía ở Trà Vinh đều bị giảm năng suất và chữ đường. Nguyên nhân là vụ sản xuất mía trước, nông dân gặp khá nhiều khó khăn. Đầu niên vụ mía 2017-2018, nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh sửa chữa, nâng cấp công suất, chậm đi vào hoạt động gần 3 tháng so với hàng năm khiến nhiều diện tích mía dần chết khô, làm giảm đáng kể năng suất và chữ đường.
Khi nhà máy đi vào hoạt động, nông dân tiếp tục gặp khó do Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh thu mua mía nhưng nợ tiền của nông dân. Để giải quyết khó khăn trước mắt cho người trồng mía, UBND tỉnh Trà Vinh đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh thế chấp lượng đường tồn kho để vay vốn, trả nợ cho nông dân, với tổng số tiền vay lên đến 90 tỷ đồng.
Do vậy, vụ này nông dân trồng mía chủ yếu lưu gốc, không mặn mà chăm sóc nên năng suất chỉ đạt khoảng 80-85 tấn/ha, giảm 15-20 tấn/ha so với những vụ trước, chất lượng mía cũng giảm đáng kể. Vụ mía 2018 - 2019, theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, người trồng mía lỗ khoảng 40 triệu đồng/ha.
Huyện Trà Cú là vùng mía nguyên liệu của tỉnh Trà Vinh, với diện tích ổn định hàng năm hơn 4.000 ha/vụ, chiếm khoảng 80% diện tích trồng mía toàn tỉnh. Nhưng những niên vụ sản xuất mía gần đây liên tục gặp khó, nên vụ mía này nông dân chỉ xuống giống hơn 3.500 ha, giảm khoảng 600 ha so với niên vụ trước.
Theo dự đoán của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, thời gian tới, ngành mía đường của Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lượng đường tồn kho còn rất nhiều. Trong khi đó, giá thành sản xuất đường của Việt Nam do các nhà máy mía đường trong nước sản xuất cao hơn sơn so với giá đường nhập khẩu nên rất khó cạnh tranh.
Trước tình hình trên Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Hồng Phúc đã chỉ đạo 7 xã có diện tích trồng mía trên địa bàn huyện nhanh chóng khảo sát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản để đảm bảo nông dân sản xuất hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cũng đang tập trung các giải pháp hỗ trợ nông dân trồng mía nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành. Theo đó, ngành phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các địa phương nghiên cứu, đưa vào sử dụng các giống mía mới có năng suất, chữ đường cao. Ngành cũng vận động nông dân liên kết sản xuất, đưa cơ giới hoá, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mía; tham gia hợp tác xã để được tiếp cận các chính sách ưu đãi.
Niên vụ mía 2018 - 2019, tỉnh Trà Vinh trồng hơn 4.500 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Trà Cú, Tiểu Cần; giảm 1.000 so với niên vụ trước. Những năm trước đây, vùng mía nguyên liệu ở tỉnh Trà Vinh luôn được đánh giá đứng đầu về năng suất và chất lượng.
Đây cũng được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên vùng đất bị nhiễm mặn vào mùa khô của huyện Trà Cú. Năng suất cây mía ở Trà Cú thường ổn định khoảng 100 tấn/ha, nhờ vậy đem lại nguồn thu nhập cho nông dân từ 30-40 triệu đồng/ha, cao hơn 3 – 4 lần so với cây lúa được trồng trên cùng vùng đất. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều vụ sản xuất mía của nông dân Trà Vinh liên tục gặp khó về giá cả, thị trường tiêu thụ khiến thu nhập rất bấp bênh.