Gần một tuần nay, chị Lê Thị Mai (ngụ quận 3) không dám mua thịt lợn cho bữa cơm gia đình. Theo chị Mai, do giá cao, nên thịt lợn đang dần trở thành món ăn xa xỉ của các gia đình có thu nhập thấp. "Giá thịt lợn hiện đang tăng từng ngày. Theo đó, giá thịt ba rọi rút xương hiện đã lên đến 170.000 đồng/kg, thịt lợn nạc dăm có giá 160.000 đồng/kg... Do giá thịt lợn tăng, gia đình tôi đang chuyển hướng sang lựa chọn các thực phẩm khác thay thế cho thịt lợn như cá biển, thịt gà.... với mức giá rẻ hơn từ 20 - 40%", chị Mai cho biết.
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, giá thịt lợn bán lẻ đang ở mức rất cao, dao động ở mức từ 140.000 - 170.000 đồng/kg tùy loại. So với hai tuần trước, giá thịt lợn đã tăng khoảng 20.000 - 50.000 đồng/kg. Cụ thể, giá các loại thịt lợn như ba rọi rút xương cách đây hai tuần chỉ khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg nay tăng lên 160.000 - 170.000 đồng/kg, thịt nạc vai chỉ khoảng 90.000 - 95.000 đồng/kg nay tăng lên 150.000 đồng/kg, sườn non từ 120.000 đồng/kg tăng lên 170.000 đồng/kg…
Theo lý giải của các tiểu thương tại các chợ truyền thống, sở dĩ thịt lợn về chợ tăng giá là do giá ở các chợ đầu mối tăng giá, khan hàng. Thậm chí, nhiều tiểu thương muốn nhập thêm thịt về bán cũng không có hàng.
Chị Nguyễn Thủy, tiểu thương bán thịt tại chợ Phước Bình (quận 9) cho biết, trước đây mỗi ngày chị nhập khoảng 130 - 150 kg thịt lợn, nhưng hiện nay chỉ nhập được khoảng 60 - 70 kg. Dù chị Thủy có muốn nhập nhiều cũng không có hàng, bởi nguồn cung thịt lợn đang rất khan do người chăn nuôi không tái đàn từ khi bị dịch lợn tả châu Phi.
“Giá thịt lợn tại chợ đầu mối đang tăng từ 11.000 - 12.000 đồng/kg và được điều chỉnh tăng từng ngày, thậm chí là điều chỉnh theo thời gian sáng sớm và buổi chiều. Nếu tình trạng này kéo dài, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống dự báo sẽ tăng tới mức 200.000 - 250.000 đồng/kg, gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái”, chị Thủy cho biết thêm.
Là đơn vị cung cấp lượng lớn thịt lợn tươi sống cho cả nước, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, giá lợn hơi mua vào tăng đến 34%, từ 45.000 đồng/kg đã tăng lên 60.000 đồng/kg.
“Chưa bao giờ giá lợn hơi trên thị trường tăng với tốc độ nhanh như vậy. Dự báo giá thịt lợn còn tăng khi nguồn lợn tại các trang trại các tỉnh miền Nam ngày càng giảm, còn lợn trong dân gần như cạn kiệt vì dịch bệnh kéo dài, người nuôi chưa dám tái đàn”, ông Phú nói.
Theo Phú, với những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh như Vissan, nếu giá thịt lợn tiếp tục tăng như những ngày qua sẽ khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực. Đơn vị cũng đã trình lên các sở, ngành để điều chỉnh tăng giá thịt lợn bán ra tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi. "Tuy nhiên sang tuần này mới có giá mới, bởi phải chờ phía Sở Tài chính khảo sát giá thị trường, rồi các đơn vị cùng ngồi lại tính toán để quyết định điều chỉnh giá theo mức trung bình thế nào cho hợp lý", ông Phú cho biết.
Được xem là thủ phủ chăn nuôi tại các tỉnh phía Nam, theo các chủ trang trại tại Đồng Nai, giá lợn hơi hiện đang được bán ở mức từ 55.000 - 65.000 đồng/kg. Giá bán này còn được điều chỉnh tăng mỗi ngày tại các lò mổ trước khi tung hàng ra thị trường. Dự báo giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng trong 1 - 2 tuần tới khi nguồn cung đang khan hiếm.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết, nguồn cung thịt lợn đang thiếu hụt mạnh do dịch tả lợn châu Phi hoành hành từ đầu năm đến nay khiến các hộ chăn nuôi không dám tái đàn. "Dự báo sẽ có đợt thiếu hụt nguồn cung thịt lợn nghiêm trọng trong thời gian tới, đặc biệt là mùa cao điểm cuối năm. Bên cạnh đó, hiện lợn không còn được nuôi ồ ạt tại các trang trại nên các tiểu thương muốn có hàng phải đưa ra giá hấp dẫn, thay đổi thường xuyên mới có thể thu gom được hàng. Điều này đang đẩy giá thịt lợn tăng cao mỗi ngày như những ngày qua", ông Công nói.
Để bổ sung nguồn cung thịt lợn chuẩn bị phục vụ thị trường cuối năm, ông Công cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiềm chế dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng... một cách triệt để và kiên quyết hơn. Đối với các hộ chăn nuôi, trang trại tập trung hiện nay cần tái đàn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học; cần vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho lợn; đồng thời khuyến khích người dân đẩy mạnh chăn nuôi các vật nuôi khác thay thế thịt lợn như gà, vịt, bò…