Nguy cơ bánh mứt kẹo Tết mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Năm nay Tết Nguyên đán đến sớm nên các cơ sở sản xuất mứt Tết trên địa bàn TP.HCM cũng vào mùa vụ sớm hơn mọi năm. Tại các khu vực sản xuất mứt Tết như quận 6, quận 3, quận 11… không khí sản xuất bánh kẹo, mứt Tết cũng khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, nguy cơ mứt Tết mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

Hãi hùng sản xuất mứt Tết

Khu vực chung cư đường sắt (đường Lý Thái Tổ, quận 3) là nơi chuyên sản xuất mứt cung ứng cho các chợ trên địa bàn TP.HCM. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở khu vực này, điều kiện sản xuất của các cơ sở đều trong tình trạng tạm bợ, thủ công và không bảo đảm vệ sinh. Hầu hết các hộ ở đây đều tận dụng con hẻm trước nhà làm nơi sơ chế ban đầu.

Sản xuất mứt me trên con hẻm ở khu chung cư đường sắt.


Nguyên liệu chế biến được phơi bày ngay dưới mặt hẻm, xung quanh xô chậu ngổn ngang, ruồi nhặng bu vào những chậu me đã được bóc tách vỏ, hột. Bên cạnh đó, dọc con hẻm, các thùng phi cáu bẩn được để trước nhà, chứa một loại nước đục ngầu kèm mùi chua bốc lên nồng nặc… Theo những người dân ở đây, các thùng phi này dùng để ngâm me sau khi đã được bóc vỏ.

Chủ một cơ sở sản xuất mứt tại đây cho biết: “Cơ sở của tôi chuyên sản xuất mứt me và mứt măng cầu. Những ngày thường chỉ có 2 công nhân làm nhưng gần Tết thì tôi phải thuê thêm cả chục công nhân may ra mới có thể cung ứng đủ hàng cho thị trường”. Chủ cơ sở này cũng cho biết quy trình làm mứt me: Quả me sau khi gọt vỏ thì bỏ vào các thùng phi ngâm với muối ba ngày rồi vớt ra bóc tách hột và đem phơi trên các mái nhà, sau đó được nhào với đường để thành mứt.

Tuy nhiên, người tiêu dùng ít biết rằng, để mứt có màu sắc đẹp, hầu hết các cơ sở này đều sử dụng các loại phẩm màu, các chất tẩy trắng, hàn the, đường hóa học, chất chống ẩm mốc… được bán trôi nổi tại chợ Kim Biên (quận 5).
 
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa phát hiện trong sản phẩm mứt Kaze lá dứa loại 1 kg (ghi ngày sản xuất 20/10/2011 và hạn sử dụng 20/10/2012) của Công ty TNHH Một thành viên SX-TM-DV Mộc Thủy ở số 30/1 đường TA 09, khu phố 3 (phường Thới An, quận 12) có chứa hóa chất Malachite green với nồng độ 2,11 mg/kg. Hóa chất này đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm do có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như: Gây ung thư, tổn thương chức năng gan, thay đổi chức năng tuyến giáp, thiếu máu, giảm bạch cầu, đột biến gen…, Thanh tra Sở đã đình chỉ cơ sở kinh doanh sản phẩm trên, niêm phong 16 kg mứt Kaze lá dứa, buộc thu hồi và lên phương án tiêu hủy đối với các sản phẩm đã bán ra thị trường.

Bánh kẹo “ba không” về các chợ

Không chỉ các loại mứt được sản xuất mất vệ sinh, tại các chợ như: An Đông, Tân Định, Bà Chiểu, Bình Tây…, các loại bánh kẹo, mứt với đủ màu sắc hấp dẫn cũng được bày bán tràn lan. Nhiều loại có điểm chung là “không nhãn mác, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng”. Hơn nữa, các loại mứt trái cây như mứt dừa, mứt bí, mứt nho... không đóng gói nhưng vẫn được các tiểu thương trưng bày mà không được bao bọc cẩn thận, mặc cho bụi bẩn, ruồi nhặng bám vào. Khi chúng tôi băn khoăn về một số sản phẩm trên sạp hàng đều trong tình trạng “ba không”, một tiểu thương tại chợ Bình Tây đang ngồi đảo rồi lựa từng hạt mứt nho mà không sử dụng bao tay, cho biết: “Đây đều là hàng sản xuất tại Việt Nam, tất cả đều có hạn sử dụng nhưng được ghi trong thùng giấy”.

So với mọi năm thì các sản phẩm bánh kẹo, mứt Việt Nam chiếm ưu thế. Tuy nhiên, tại các chợ, có hiện tượng một số cơ sở kinh doanh nhập các mặt hàng không có nguồn gốc rõ ràng, hoặc nhập các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc về thay đổi mẫu mã, bao bì thành hàng trong nước nhằm qua mắt người tiêu dùng và các cơ quan chức năng.

Ông Phạm Kim Bình, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, thanh tra sở đang ráo riết tăng cường công tác thanh kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết. Hiện Sở Y tế thành phố đã thành lập 1 đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, phối hợp với Chi cục VSATTP, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp TP.HCM đang tiến hành thanh tra trọng tâm vào các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như: Các cơ sở chế biến, sản xuất các mặt hàng bia rượu, bánh mứt, giò chả, thịt đông lạnh… Bên cạnh đó, các quận, huyện, phường-xã cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm minh đối với những cơ sở vi phạm.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, khuyến cáo người tiêu dùng nên tẩy chay những mặt hàng “ba không”. Theo ông, không chỉ người tiêu dùng lo ngại mà các cơ quan ban ngành cũng hết sức lo ngại trước tình trạng mất ATVSTP. Bên cạnh những cơ sở kinh doanh nghiêm túc thì còn có những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vì lợi ích trước mắt mà vi phạm các quy định về ATVSTP. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe nên tẩy chay những mặt hàng không nguồn gốc, không nhãn mắc, không hạn sử dụng…

Bài và ảnh: Đan Phương – Hoàng Tuyết

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN