Tuy mới bước vào đầu vụ nuôi tôm, nhưng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) ở tỉnh Bạc Liêu tăng nhanh từng ngày. Đến thời điểm này, toàn tỉnh thả nuôi hơn 100 ha, dự báo diện tích thả nuôi vụ này gần 1.000 ha, tăng hàng trăm ha so với năm 2011. Diện tích nuôi tôm TCT “vượt rào” vụ này tăng mạnh, bởi trước đó nhiều hộ thua lỗ vụ tôm sú, ồ ạt chuyển sang nuôi tôm TCT, trong khi đó điều kiện không cho phép, thiếu khoa học kỹ thuật, nguồn con giống kém chất lượng…
Bạc Liêu đưa vào nuôi thử nghiệm tôm TCT từ năm 2008, qua đánh giá bước đầu loại tôm nuôi này đạt năng suất và sản lượng, lợi nhuận không bằng tôm sú, nhưng chi phí đầu tư nặng và rủi ro hơn con tôm sú. Mặc dù, đã đưa vào sản xuất thử nghiệm nhiều năm qua, nhưng số người áp dụng nuôi còn hạn chế. Bởi đến thời điểm này, Bạc Liêu chưa quy hoạch hoàn chỉnh khu nuôi tôm TCT riêng biệt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; phần lớn diện tích nuôi hiện nay ngoài vùng quy hoạch, nuôi “vượt rào”, nuôi đan xem với diện tích tôm sú, sử dụng cùng hệ thống nước…
Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm khoảng 120.000 ha, được quy hoạch nuôi theo 3 mô hình chính gồm: Nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp lúa - tôm và mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp (CN&BCN). Trong đó, mô hình CN&BCN khoảng 10.000 ha, lúa- tôm gần 30.000 ha, còn lại nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến. Qua thực tiễn đánh giá, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và mô hình lúa - tôm kết hợp cho hiệu quả kinh tế bền vững, ít tác động đến môi trường sinh thái… Ngược lại, đối với nuôi tôm CN&BCN, tôm TCT thì không những gây tác động xấu đến môi trường mà còn làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh ra diện rộng.
Do đó, khi áp dụng nuôi tôm TCT đại trà ra diện rộng, chủ yếu nuôi “vượt rào” thì “lợi bất cập hại”, chỉ một số người nuôi có lợi trước mắt, còn ngược lại cả vùng nuôi tôm sú đứng trước nguy cơ thua thiệt lớn.
Bảo Trân