Cụ thể, đối với hai dự án cao tốc thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát được hơn 16 triệu m3, nhưng vẫn còn thiếu gần 3 triệu m3 chưa xác định được nguồn (An Giang 1 triệu m3, Vĩnh Long 1,98 triệu m3). Các nhà thầu thi công 2 dự án này đã hoàn thành thủ tục, đang tổ chức khai thác các mỏ với tổng trữ lượng 9 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 7 triệu m3.
Trong khi đó, công suất khai thác của các mỏ cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đạt thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thi công cuốn chiếu, đồng loạt theo mục tiêu Bộ GTVT đề ra, mới đạt bình quân khoảng 18.000m3/50.000 m3/ngày.
Riêng đối với 10 dự án thành phần cao tốc khác từ Hà Tĩnh - Khánh Hòa, các nhà thầu mới khai thác được 14/17 mỏ cát, đáp ứng khoảng 91% nhu cầu.
Về mỏ đất, các nhà thầu mới khai thác được 43/55 mỏ, đáp ứng khoảng 77% nhu cầu. Các mỏ còn lại mặc dù đã được các địa phương có cao tốc đi qua chấp thuận khối lượng khai thác, nhưng đến nay chưa khai thác được do vướng thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng...
Để đảm bảo tiến độ thi công theo mục tiêu đề ra, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cho phép các nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị, phương tiện và thời gian khai thác trong ngày; căn cứ tình hình thực tế khai thác của các mỏ đã cấp cho dự án, đánh giá nội dung đánh giá tác động môi trường được duyệt để có phương án tăng công suất khai thác các mỏ; đồng thời rà soát các mỏ đang khai thác, mỏ mới để cung ứng cho dự án, đảm bảo đến 30/6/2024 cung cấp đủ về công trường khối lượng cát theo yêu cầu.
Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn phương pháp xác định giá nguyên vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá, làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt; hướng dẫn các bộ, địa phương ban hành định mức giá cát đất tại chỗ.