Báo "Le Monde" số ra ngày 25/7 có bài viết về vụ phá sản của thành phố Detroit với tựa: "Những nhà bảo thủ không muốn cứu Detroit". Tờ báo trích phân tích của nhà sử học Thomas Sugrue về nguyên nhân gây kiệt quệ cho thành phố vốn được mệnh danh là kinh đô của ngành sản xuất xe hơi Mỹ.Các tòa nhà cao tầng ở Detroit. Ảnh: AFP/TTXVN |
Detroit từng tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ gốc Phi, song cũng nổi tiếng là kỳ thị chủng tộc. Bằng chứng là người da đen đến sống trong khu phố người da trắng liền bị tấn công, trong khi tại công xưởng, người da đen cũng phải làm những công việc ít kỹ năng và nặng nhọc hơn so với người da trắng.
Vào những năm 1950, ngành sản xuất xe hơi bắt đầu xuống dốc, khiến Detroit bắt đầu giảm khoảng 140.000 việc làm và một số xưởng sản xuất dời về phía nam nước Mỹ hay ra nước ngoài, nơi có giá thành nhân công rẻ hơn. Cùng lúc đó, người da trắng tại Detroit cũng di cư đi nơi khác. Vào cuối những năm 1960, 40% dân số thành phố là người da đen. Hậu quả là nguồn đầu tư vào thành phố giảm nghiêm trọng. Một số công ty và trung tâm thương mại cũng dẹp tiệm.
Trước tình cảnh đó, người da đen liên tục biểu tình để bày tỏ bất bình và tình trạng xung đột với cảnh sát ngày càng tăng. Dưới thời Tổng thống Johnson (năm 1967), nhiều công trình và tòa nhà tại Detroit bị phá hủy. Sau đó là người da đen vươn lên nắm chính quyền thành phố. Từ đó, các cử tri và nghị sĩ xem Detroit là nơi bạo động và tham nhũng nên không muốn giúp đỡ thành phố này. Đơn cử, năm 2009, liên bang đã "ra tay" cứu ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, song không hỗ trợ Detroit. Những người bảo thủ cho rằng Detroit phải tự chịu trách nhiệm cho số phận của mình và phải bị trừng phạt để làm gương.
Bài báo kết luận một trong những nguyên nhân khiến "kinh đô xe hơi" phá sản là vì phần đông nghị sĩ không hề muốn cứu Detroit.
TN