Lý giải về việc này, theo ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thu phí tự động VETC, dự án bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014, đến nay đã 5 năm thực hiện với tổng mức đầu tư 2.030 tỷ đồng, phạm vi dự án bao gồm 44 trạm; trong đó, đã đầu tư và vận hành thu phí không dừng 23/27 trạm (những trạm này đã ký hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng).
Đến nay, Công ty TNHH thu phí tự động VETC mới có 11/44 trạm ký được phụ lục hợp đồng/hợp đồng dịch vụ. Còn lại 33 trạm chưa ký được phụ lục hợp đồng, hợp đồng là do một số nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng dịch vụ; không bàn giao làn thu phí để thực hiện đầu tư hệ thống thu phí không dừng; không trả phí dịch vụ vận hành mặc dù trạm đã hoàn thành đầu tư và thực hiện nghiệm thu. Cùng đó, nhà đầu tư BOT chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng; chưa đồng ý mức trích tỷ lệ sử dụng dịch vụ hoặc nhà đầu tư BOT đồng ý mức trích nhưng chờ sự đồng thuận từ ngân hàng tài trợ vốn...
Ông Phạm Văn Lương cho hay, mặc dù thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải đã rất nỗ lực cùng với VETC triển khai dự án, nhưng kết quả triển khai rất chậm và kéo dài không đạt được tiến độ và mục tiêu đã đề ra. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và vận hành dự án, chưa đảm bảo được tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải dự kiến phải lắp đặt làn thu phí tự động trước ngày 31/12/2019.
Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH thu phí tự động VETC, doanh nghiệp lỗ lũy kế đến 30/9/2019 là 300 tỷ đồng do tỷ lệ thu phí tự động không dừng thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch. Đến nay, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tasco đã phải cung ứng vốn tương ứng với số lỗ lũy kế để bù đắp dòng tiền duy trì vận hành. Nếu đến hết năm 2020 chỉ triển khai được 36 trạm thì doanh nghiệp lỗ lũy kế cho vận hành khoảng 580 tỷ đồng.
"Các cổ đông không đồng thuận việc tiếp tục đầu tư, cung cấp vốn cho dự án, đồng thời có rất nhiều ý kiến về việc dự án đã trải qua 5 năm không nhận được cổ tức mà liên tục đầu tư thêm vốn để bù đắp dòng tiền do lỗ vận hành và chưa biết đến bao giờ mới giải quyết xong các vướng mắc, tồn tại sẽ dẫn đến nguy cơ bị phá sản", ông Phạm Văn Lương nhấn mạnh.
Với lý do này, Công ty TNHH thu phí tự động VETC đề xuất Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai, phát huy lợi ích và hiệu quả cho xã hội, đất nước.
Hoặc, Bộ Giao thông Vận tải cùng với Công ty TNHH thu phí tự động VETC có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong tháng 12/2019 trong trường hợp những tồn tại và khó khăn đã báo cáo ở trên không được giải quyết.
Nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, Công ty TNHH thu phí tự động VETC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.
Về đề nghị này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục tìm hiểu từ các cơ quan chức năng để có thông tin tiếp theo.