Anh Phạm Văn Thạch ở thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái), ngay phía dưới chân đồi-nơi "đóng đô" của nhà máy, cho biết: Từ năm 2016, khi đi vào hoạt động, không hiểu nhà máy dùng hóa chất gì để sấy quặng graphite mà xả ra một thứ mùi rất khó chịu không thể tả nổi.
Mùi nồng nặc khó chịu hơn cả mùi của bãi đổ rác thải tập trung của huyện Trấn Yên vào những lúc mưa xuống nắng lên. Anh Thạch còn cho biết thêm, đứng trên một đồi cao cách nhà máy chừng 1 km vẫn còn ngửi thấy mùi. Vì vậy, mỗi lần công ty sấy quặng, người dân trong thôn phải đeo khẩu trang để giảm thiểu "độc hại" do không khí bị ô nhiễm.
Cùng tâm trạng với anh Thạch, nhưng ông Đỗ Văn Xuân 50 tuổi ở thôn Phố Hóp xã Báo Đáp bức xúc hơn nhiều: Nhà máy sấy quặng cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần sấy chỉ khoảng vài giờ nhưng mùi khét lẹt, rất khó thở, tức ngực. Ban ngày, gia đình anh phải đi sơ tán, khi nào hết mùi mới về nhà, vào ban đêm đành phải đóng cửa chịu trận.
Trước tình trạng này, nhiều hộ trong thôn Phố Hóp đã làm đơn kiến nghị lên xã rồi nhưng cũng chẳng giải quyết được. Mong muốn của bà con nơi đây là công ty phải đầu tư để xử lý môi trường triệt để, tránh gây ô nhiễm đến không khí và nguồn nước. Nếu không xử lý được, công ty phải di dời để tránh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Không chỉ gây ô nhiễm không khí khi sấy quặng, nguồn nước xả thải của công ty cũng gây ô nhiễm môi trường nặng. Theo anh Trần Văn Trung, ở thôn Phố Hóp, trước đây, khi chưa xây dựng nhà máy, người dân dẫn nước dưới chân đồi về để ăn uống. Bây giờ, ở phía trên, nhà máy làm bể chứa chất thải, bà con đành phải tìm nguồn nước ăn ở nơi khác. Còn hồ thủy lợi Nhân Nghĩa (nay gọi là hồ thôn 2) ở dưới kia, nước đã bị biến thành màu xanh đen như mực cửu long và làm cá chết hàng loạt. Người dân gửi đơn lên xã nhưng sự việc chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.
Bà Nguyễn Thị Trường (cùng thôn Phố Hóp) buồn rầu kể, bà về đây sinh sống từ năm 1987, nước hồ trong xanh rất phù hợp cho nuôi thả cá. Năm 2015, gia đình bà đã nhận đấu thầu hồ để nuôi cá với thời gian là 5 năm. Khi vẫn đang trong thời kỳ đầu tư, trận mưa lớn xảy ra ngày 2/9/2017 làm vỡ đập hồ chứa chất thải của Nhà máy Graphite, bùn và nước chảy tràn vào hồ nuôi cá của gia đình. Sau đó, tình trạng cá chết hàng loạt xuất hiện với số lượng ước 1 tấn.
Các loài cá như cá quất (còn gọi là cá lăng) trắm cỏ, chép... tầm 3 đến 5 kg bị chết hết. Gia đình bà đã làm đơn đề nghị lên xã. Sau một thời gian, Ủy ban Nhân dân xã đã mời gia đình lên để giải quyết. Tại đây, đại diện Công ty cho rằng, cá chết không phải do nước bị ô nhiễm. Vì vậy, họ không đền bù thiệt hại mà chỉ hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng với lý do đập hồ chứa của nhà máy bị vỡ làm nước và bùn chảy xuống hồ khiến cá bị sặc bùn chết.
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Trường, gia đình ông Lê Thành Lâm có ao bên dưới hồ thủy lợi thôn 2 và cũng lấy nguồn nước từ hồ thủy lợi thôn 2 chảy về ao nuôi cá. Biên bản làm việc lúc 10 giờ 50 phút ngày 20/9/2017 với thành phần là bà Nguyễn Ngân Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Báo Đáp và một số cán bộ đại diện cơ quan hữu quan của xã, thôn 2 và ông Lê Thành Lâm ghi rõ: "Chúng tôi cùng nhau kiểm tra ao nuôi cá của ông Lâm. Hiện trạng tại thời điểm kiểm tra nước ao có màu đen. Theo ý kiến của ông Lâm, cá bắt đầu chết từ ngày 19/9/2017, trước đó, gia đình nuôi cá bình thường. Số lượng cá chết khoảng 40 con = 50 kg, tổng lượng cá của ao ước 150 kg". Sau đó, gia đình ông Lâm được nhà máy "hỗ trợ" 5 triệu đồng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao để xảy ra tình trạng trên mà Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Graphite Việt Nam lại chỉ hỗ trợ người dân với số tiền quá ít hỏi so với thiệt hại của họ? Lý giải điều này, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho hay, theo văn bản số 122 ngày 25/1/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái về việc đánh giá tác động môi trường và chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của Nhà máy Graphit Báo Đáp, kết quả phân tích các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, nước mặt và bùn cho thấy, đa số đều đạt quy chuẩn Việt Nam nên không thể nói là nước thải của nhà máy chảy về hồ gây chết cá được.
Ông Nguyễn Đức Dục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái, khẳng định, tại thời điểm này, Nhà máy Graphite đang ngừng hoạt động, do vậy, khí thải của nhà máy ảnh hưởng đến đâu, cơ quan chức năng không thể đưa ra kết luận được. Còn tình trạng nước hồ thôn 2 đổi màu gây ô nhiễm, Chi cục sẽ lên kiểm tra thực tế.
Tuy nhiên, Nhà máy Graphite Báo Đáp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Graphite Việt Nam hiện nay vẫn còn một số tồn tại như: Thay đổi công trình bảo vệ môi trường nhưng chưa được UBND tỉnh chấp thuận; chưa tuần hoàn toàn bộ nước thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa được UBND tỉnh chấp thuận kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm; khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại được xây dựng chưa đảm bảo theo quy định; chưa lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án được kiểm tra xác nhận...
Trước tình trạng này, Sở Tài nguyên Môi trường, Chi cục Môi trường tỉnh Yên Bái đã có nhiều công văn yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Graphite Việt Nam chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, chấm dứt xả nước thải sản xuất ra môi trường, khử trùng nước sinh hoạt cho các hộ gia đình khai thác nước tại vị trí sau điểm xả nước thải của nhà máy... nhưng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Graphite Việt Nam dường như "bỏ ngoài tai" những yêu cầu đó.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Graphite Việt Nam khi đăng ký đầu tư vào Yên Bái có tên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Ngọc Viễn Đông, sau đổi là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Graphite Việt Nam ( có trụ sở tại tầng 15, tòa nhà Việt Á, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội), khai thác quặng Graphite tại xã Yên Thái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái rồi chuyển về Nhà máy chế biến quặng Graphite tại xã Báo Đáp.
Theo nhiều người dân, trong quá trình nhà máy khai thác, người dân ở thôn Tân Thành, xã Yên Thái, huyện Văn Yên luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ do tường nhà nứt, mái nhà vỡ. Không những vậy, việc khai thác mỏ của nhà máy còn làm đất đá trôi vào ruộng vườn, ao; đường sá thành ổ voi nhiều chỗ, bụi bặm... gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, thiệt hại tài sản và sức khỏe người dân.