Trước nhiệm vụ thu ngân sách trong điều kiện vẫn đảm bảo chính sách động viên doanh nghiệp, phù hợp tiến trình hội nhập, nhiều cục thuế đã thẳng thẳn chỉ rõ những “rào chắn” còn tồn tại trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy
E ngại trên chính là vấn đề đang tồn tại của nhiều cục thuế khi đề cập tới công tác thanh, kiểm tra thuế trong năm 2016. Mục tiêu được đặt ra toàn ngành trong năm nay là đảm bảo số thu nội địa không kể dầu thô vượt tối thiểu 8% dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội, Chính phủ giao. Đồng thời, thực hiện thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 18% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế, tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 13.000 tỷ đồng; số nộp ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều đơn vị thuế đang “vướng” trong khâu kiểm tra, đặc biệt đối với thanh, kiểm tra chống chuyển giá khi còn thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy.
Hoạt động tại Chi cục Thuế Hà Nội. |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết, Đồng Nai có số lượng lớn doanh nghiệp FDI đầu tư tại địa phương, trong quá trình thanh, kiểm tra, cơ quan này cũng phát hiện, nhận diện được trường hợp có dấu hiệu chuyển giá. Tuy nhiên thực tế cho thấy, ngành thuế đang còn thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy để thực hiện đối chiếu số liệu trong quá trình thanh, kiểm tra (đặc biệt xác định mức lãi đối với doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá). Đây chính là nguyên nhân khiến công tác đấu tranh chống gian lận thuế thời gian qua gặp khó khăn.
Về điểm này, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng, ngành thuế muốn thanh tra, đấu tranh chống chuyển giá phải xây dựng được cơ sở dữ liệu của người nộp thuế, chỉ tiêu kinh tế, tài chính thu nộp ngân sách. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu này phải được dựa trên nguồn số liệu, tờ khai chính thức của cơ quan chịu trách nhiệm chứ không thể tập hợp tùy tiện.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh: “Không thể bắt từng cục thuế phải xây dựng được cơ sở dữ liệu. Bởi làm sao Cục Thuế Đồng Nai có cơ sở dữ liệu của Cục Thuế ở Bình Dương, của các nhà máy may ở Hải Phòng?”.
Muốn xây dựng được cơ sở dữ liệu này đòi hỏi ngành thuế phải điện tử hóa. “Chúng ta đòi hỏi, liên hệ công việc với doanh nghiệp thông qua điện tử. Nhưng toàn ngành đã điện tử hóa chưa? Ông đội trưởng, đội phó đã giải quyết công việc thông qua điện tử? Bao giờ ngành thuế mới chấm dứt tình trạng báo cáo giấy, hồ sơ sổ sách giấy trong toàn ngành”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn băn khoăn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của ngành. Cụ thể, trong thanh tra chưa có cách nhìn nhận, đánh giá phân tích thực trạng chi tiết để đưa ra ưu tiên nguồn lực trong vấn đề xử lý. Ngành tuy cũng đã có đánh giá đơn vị làm tốt, chưa tốt nhưng vẫn thiếu sự lượng hóa cụ thể bằng các bảng biểu, phụ lục đính kèm.
“Ngành thuế đánh giá Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra phải cụ thể hóa bằng các con số. Trong các phụ lục đi kèm, phải chỉ rõ được địa phương nào thanh, kiểm tra bao nhiêu doanh nghiệp, đạt chỉ tiêu không? Nguyên nhân khách quan, chủ quan”, ông Tuấn chỉ rõ.
Nếu làm được như vậy, ngành thuế mới có thể đánh giá chính xác hiệu quả của công tác thanh tra để động viên kịp thời đối với những địa phương làm tốt và cùng tháo gỡ khó khăn đối với cục thuế, chi cục thuế còn thực hiện chưa tốt.
Năm 2016, toàn ngành rà soát, phân loại nợ, tổng hợp chính xác số tiền thuế nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả. Đồng thời thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế.
Phân kỳ tiền nợ thuế trên giấy
Trong những năm gần đây, trước những khó khăn của doanh nghiệp, để có chính sách động viên kịp thời, biện pháp phân kỳ trả nợ thuế đã được ngành tài chính thực hiện. Tuy nhiên, qua phản ánh, biện pháp này chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Hải, Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh chia sẻ, quy định trường hợp doanh nghiệp nợ thuế được nộp dần theo hình thức phân kỳ phải có ngân hàng bảo lãnh đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp ở Bắc Ninh không nhận được sự bảo lãnh này từ ngân hàng. Như vậy, đồng nghĩa, doanh nghiệp cũng không thể thụ hưởng chính sách ưu đãi.
“Ngân hàng cho rằng, chẳng ai bảo lãnh doanh nghiệp nợ thuế để nộp thuế”, Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh cho biết.
Trước khó khăn này, Cục Thuế Bắc Ninh đề nghị, thay việc bảo lãnh của ngân hàng bằng biện pháp trao quyền cho cơ quan thuế, quyết định một số trường hợp doanh nghiệp được nộp theo phương pháp phân kỳ.
Bởi theo ông Hải, nhiều doanh nghiệp nợ thuế do gặp khó khăn tạm thời trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nếu cơ quan thuế áp dụng biện pháp cứng: Cưỡng chế có thể khiến doanh nghiệp tới chỗ phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy: Hàng trăm lao động mất việc làm…
Đối với việc thu nợ thuế, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, giống như thanh, kiểm tra thuế cũng cần lượng hóa cụ thể các con số. Báo cáo phải thể hiện chi tiết được cục thuế nào có số nợ tăng, cục thuế nào giảm. Nguyên nhân khách quan, chủ quan. Theo đó, ngành thuế đánh giá chính xác đơn vị thực hiện tốt, chưa tốt. Đây cũng là cơ sở để đánh giá việc chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, phải tập trung toàn ngành để xây dựng Nghị quyết về xóa nợ phạt chậm nộp đối với những trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng và không có đối tượng thu. Cục trưởng Cục Thuế giao nhiệm vụ thu nợ cụ thể, chi tiết tới từng trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng và từng cán bộ.
Đẩy mạnh việc thực hiện công khai thông tin người nộp thuế, không nộp tiền thuế đúng hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Cơ quan thuế kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật.