Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, năm 2016 huyện có gần 3.400 ha trồng nhãn, chiếm 75,95% diện tích trồng nhãn toàn tỉnh; sản lượng đạt gần 33 nghìn tấn/năm, chiếm 86,69% sản lượng của tỉnh. Hiện nay, huyện trồng nhiều giống nhãn như: Edor, xuồng Cơm Vàng, tiêu Da Bò, Tứ Quý, nhãn Thạch Kiệt, nhãn Long Tím, nhãn lồng Hưng Yên...
Vườn nhãn cho trái mùa nghịch tại huyện Châu Thành. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN |
Ông Lê Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, năm 2016 nhãn Châu Thành được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Theo quy hoạch, trong năm 2017 huyện sẽ phát triển diện tích trồng nhãn lên 3.480 ha và đến năm 2020 là 4.000 ha. Cùng với đó, huyện từng bước tiến hành phân vùng quy hoạch: Nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và vùng sản xuất nhãn nguyên liệu.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, nhãn là loại cây ăn trái mang giá trị kinh tế cao, dễ trồng, có thể xử lý ra hoa để sản xuất rải vụ quanh năm, giúp người dân thu lợi nhuận từ 500 - 700 triệu/ha/năm, cao gấp 11,6 lần so với trồng 3 vụ lúa/năm, gấp 7,8 lần so với ổi và 1,56 lần so với xoài.
Ông Cường thông tin thêm, năm 2014, sản phẩm nhãn Châu Thành đã được liên kết với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng cho các thị trường trong nước và bước đầu đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu... Đây là bước tiến lớn của ngành nông nghiệp huyện và cũng là nền tảng giúp địa phương phát triển diện tích nhãn trở thành loại cây trồng chủ lực, nâng cao hiệu quả kinh tế địa phương.
Huyện sẽ ưu tiên phát triển giống nhãn Edor lên 2.000 ha trong năm 2020 (tăng 1.080 ha so với năm 2016) vì đây là giống nhãn cho năng suất cao, ít nhiễm bệnh chổi rồng, đầu lân, chat lượng tốt được thị trường ưa chuộng. Đồng thời mở rộng diện tích trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho nông dân nhằm cung ứng trái nhãn an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường xuất khẩu.
PGS.TS Trần Văn Hâu, giảng viên trường Đại học Cần Thơ cho rằng, phát triển diện tích cần chú ý đảm bảo chất lượng cây giống, chất lượng cây đầu dòng để sản xuất bền vững, lâu dài. Mặt khác, cần liên kết hoặc hình thành các điểm chế biến sản phẩm đặc trưng từ nhãn như: Rượu nhãn, mứt nhãn, nhãn sấy... với vùng nguyên liệu để đảm bảo đầu ra và tăng giá trị cho sản phẩm.
TS Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cũng lưu ý địa phương, nguy cơ tái phát dịch chổi rồng trên nhãn vẫn còn tiềm ẩn khi diện tích nhãn tiêu da bò còn khá lớn với hơn 2.000 ha và giống cây này có khả năng chống chịu sự tấn công nhện lông nhung khá yếu. Do vậy, Châu Thành cần có sự chuyển đổi hợp lý đối với những vườn nhãn tiêu da bò lâu năm và bị bệnh chổi rồng sang giống nhãn có hiệu quả cao.
Mặt khác, khuyến khích nông dân khai thác diện tích đất chưa được đầu tư như: các vườn tạp, vườn cây ăn trái có hiệu quả kinh tế thấp để cải tạo thành vườn nhãn. Hỗ trợ người dân áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, góp phần thay đổi tập quán canh tác người dân theo hướng giảm chi phí sản xuất.
Theo ông Nguyễn Tấn Lực, Bí thư huyện ủy Châu Thành, địa phương sẽ từng bước nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đưa cây nhãn trở thành một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, địa phương cũng định hướng gắn kết với khai thác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái với đặc thù sản phẩm từ cây nhãn ở Châu Thành. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.