Khai mạc sự kiện, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển liên tục cả về chất lượng và số lượng; đã hình thành một số thương hiệu lớn và trở thành bạn hàng uy tín với các đối tác quốc tế. Doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trên mặt trận kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đã có không ít doanh nghiệp chịu suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh và chịu thiệt hại, rủi ro do dịch bệnh. Song cũng có không ít doanh nhân vẫn đứng vững, chủ động duy trì hoạt động kinh doanh, bảo vệ người lao động. Sự chèo lái và bản lĩnh của doanh nhân đã giúp ổn định bức tranh doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.
Doanh nhân thật sự là những người kinh doanh không hẳn vì riêng bản thân hay gia đình mình mà vì khát vọng lớn hơn, rộng hơn là vì xã hội, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Khảo sát mới nhất của VCCI cho biết, đến cuối quý III vẫn có khoảng 80% doanh nghiệp đang duy trì sản xuất kinh doanh.
Bác Hồ từng quan tâm, chia sẻ sâu sắc với giới công thương, ủng hộ họ trên con đường phát triển kinh tế, làm giàu chân chính. Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành với bước trưởng thành của cộng đồng doanh nhân; đặc biệt đang tập trung cải cách, hỗ trợ doanh nhân phát huy tối đa sức mạnh nhằm mục tiêu ích nước lợi nhà và vững bước trên đường hội nhập.
Các doanh nhân cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ hiệu quả, nhất là trong việc tận dụng các cơ hội kinh doanh trong tình hình mới, phát huy lợi thế của mình trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cơ quan chức năng cần lắng nghe, tìm hiểu để biết doanh nhân cần gì...
Ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng ban Xúc tiến thương mại và đầu tư, Hội đồng Đoanh nghiệp và Nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang được khống chế tốt như hiện nay, việc cần làm để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất không thuần túy chỉ là vấn đề tài chính, tín dụng hay giảm thuế, giảm bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp… Bởi nguồn lực tài chính của Nhà nước cũng có hạn, dù dành hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng cũng chỉ là muối bỏ bể nếu phân bổ cho đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay.
Thiết nghĩ, Nhà nước nên dành sự ưu tiên đặc biệt cho các cơ quan, tổ chức nghiên cứu những chủng loại vắc xin, thuốc đặc trị để phòng chống dịch COVID-19; tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu biết và nâng cao nhận thức về phòng chống dịch.
Song song đó, nên xây dựng các Ban chuyên trách đảm nhiệm việc xét duyệt những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn và điều kiện để được hưởng hỗ trợ từ phía Nhà nước, thay vì trông đợi vào chính quyền các địa phương như hiện nay: rất mất thời gian và nhiều thủ tục gây khó cho doanh nghiệp./.
Nhân dịp này, VCCI cũng phát động phong trào thi đua yêu nước trong khối doanh nghiệp, doanh nhân giai đoạn 2020-2025.