Tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, chính 25 điểm xung đột, chồng chéo này là cản trở rất lớn, làm chậm lại quá trình huy động nguồn vốn đầu tư (ở cả khu vực công và tư) vào phát triển kinh tế, xã hội; tập trung nhiều ở các mảng như đầu tư, đấu thầu, môi trường, nhà ở…
Trong 2 năm gần đây, tốc độ giải ngân các dự án tại địa phương chậm lại hơn hẳn. Số dự án của năm nay sau khi hoàn tất được thủ tục để triển khai chỉ bằng ½ so với năm trước. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do thiếu sự nhất quán, thiếu sự minh bạch trong thủ tục.
Theo báo cáo của VCCI tại hội thảo, năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11/2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 đến 800 thông tư của các năm trước đó, đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018, và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm của năm 2017.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia thuộc Ban Pháp chế VCCI cho rằng, số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc khối lượng công việc xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giảm.
Điểm đặc biệt của hội thảo năm nay so với năm 2018 là đưa ra nhiều ý kiến góp ý, xây dựng về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư.
Về những đóng góp của VCCI, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, năm 2019 VCCI góp ý hơn 100 văn bản, trong đó có 44 văn bản đã được ban hành (gồm 4 Luật; 18 Nghị định; 22 Thông tư). VCCI cũng đã có 279 ý kiến đối với 44 văn bản này.