Thấy được hiệu quả, người dân ở đây đã học hỏi kinh nghiệm đầu tư, nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu.
Chúng tôi đến với xã Mường Mô huyện Nậm Nhùn vào những ngày đầu tháng 5 với cái nắng gay gắt cũng những ngày đầu hè. Dù thời tiết nắng nóng, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng người dân nơi đây vẫn đang tất bật kéo cá, những mẻ lưới đầy cá chép, cá rô phi… báo hiệu một mùa thu hoạch bội thu.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết, thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn đặc biệt là phát triển kinh tế vùng lòng hồ thủy điện, hiện trên địa bàn xã đã triển khai mô hình nuôi cá lồng cho 27 hộ với 69 lồng. Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã tạo điều kiện cho 15 hộ vay vốn lãi suất thấp để đầu tư sản xuất với số tiền 1 tỷ đồng. Hiện tại, một số loại cá chép, cá rô phi đã cho thu hoạch, còn lại các loại cá như cá lăng, cá chiên đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự tính đến tháng 6/2020 sẽ cho thu hoạch đối với các loại cá có giá trị kinh tế cao.
Trong thời gian tới, chính quyền xã Mường Mô sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con phát triển nuôi cá lồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi hộ là 10 triệu đồng/lồng. Từ khi có mô hình nuôi cá lồng, đời sống của bà con nhân dân dần được nâng lên, bà con phấn khởi, tin tưởng vào hiệu quả của mô hình. Nhiều hộ đã tự bỏ tiền ra để phát triển thêm lồng, đó là một tín hiệu tích cực giúp nghề nuôi cá lồng trên địa bàn phát triển một cách bền vững.
Là một trong số những hộ gia đình tại xã Mường Mô nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu, gia đình anh Lù Văn Dũng ở bản Pa Mô, xã Mường Mô tiến hành nuôi cá lồng từ tháng 8/2017 với 3 lồng cá, giờ đây đã cho thu hoạch.
Anh Lù Văn Dũng vui mừng nói: “Gia đình tôi nuôi 3 lồng cá với các loại cá như cá rô phi, cá chép, cá lăng cá chiên. Đến nay cá rô phi, cá chép đã bắt đầu cho thu hoạch, cá lăng và cá chiên sinh trưởng và phát triển tốt. Để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, gia đình đã thường xuyên đi đánh bắt các loại cá tự nhiên, phơi khô để làm thức ăn cho cá, nhờ đó chi phí nuôi cá cũng giảm đáng kể. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng thêm lồng cá để từng bước phát triển kinh tế gia đình".
Cũng như gia đình anh Dũng, anh Mào Văn Lục ở bản Nậm Hài, xã Mường Mô cũng bước đầu thành công với mô hình nuôi cá lồng. Anh Mào Văn Lục cho biết: “Gia đình nuôi 2 lồng cá, khi bắt đầu nuôi cũng gặp phải nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm. Được cán bộ phòng nông nghiệp huyện, cán bộ chuyên môn của xã hướng dẫn kỹ thuật, cách phòng trừ dịch bệnh, tôi đã có thêm nhiều kiến thức, nhờ đó đàn cá của gia đình phát triển tốt, ko dịch bệnh. Nuôi cá lồng cũng không vất vả nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục đầu tư thêm lồng để nuôi cá”.
Để giúp người dân nắm được những kiến thức nuôi trồng thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn đã mở các đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản; cách lựa chọn các loại thức ăn cho phù hợp, đồng thời cũng hướng dẫn các hộ gia đình nuôi cá lồng vệ sinh lồng cá của gia đình mình sạch sẽ, từ 1 - 2 tháng vệ sinh lồng cá một lần để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp cho cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo ông Nguyễn Văn Giáp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn, trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện, nhằm phát huy lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện, thời gian qua huyện Nậm Nhùn đã quan tâm, đầu tư cho nhân dân phát triển nuôi cá trên lòng hồ thủy điện, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Trong năm 2018, bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình nông thôn mới sẽ hỗ trợ cho nhân dân tiếp tục phát triển, mở rộng thêm 70 lồng.
Ông Giáp cho hay, khi mở rộng thêm lồng cá thì vẫn phải khuyến cáo, đảm bảo mật độ dưới 5% diện tích mặt nước để phòng chống dịch bệnh và an toàn cho cá phát triển. Ngoài ra, nhân dân còn đang băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm, cơ quan chuyên môn cũng đã định hướng cho người dân phát triển cá đảm bảo đúng sản phẩm có tính lợi thế của lòng hồ, đặc trưng của huyện để đảm bảo thị trường đầu ra tốt hơn.
Khi đã có đủ sản lượng, đáp ứng được thị trường đầu ra thì cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tham mưu cho huyện tìm kiếm các nhà đầu tư, để thu mua sản phẩm nhằm giúp cho nhân dân yên tâm phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.
Với những thành quả bước đầu của mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu mang lại, người dân trên địa bàn đã thêm tin tưởng vào hiệu quả của mô hình. Thời gian tới, cùng với định hướng phát triển của địa phương, tin tưởng rằng sẽ có nhiều hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi cá để mô hình nuôi cá ngày càng được nhân rộng, trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.