Nhãn VietGap Hưng Yên sẽ có mặt trên siêu thị toàn quốc

Vụ nhãn năm nay, Công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp Vineco (thành viên tập đoàn Vingroup) đang tổ chức thu mua nhãn quả tươi trong vùng trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên để tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.

Nhãn VietGap Hưng Yên sẽ có mặt trên hệ thống siêu thị toàn quốc

Bước đầu, có 10 tấn nhãn quả tươi của 33 hộ dân thuộc vùng sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGap được thu mua với giá 31 nghìn đồng/kg nhãn đã bao gói theo tiêu chuẩn. Đây là số sản phẩm đầu tiên trong vùng trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap của xã Hồng Nam được xuất bán cho Công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp Vineco. Nhãn quả tươi được chọn lựa, phân loại kỹ để đóng vào các hộp nhựa tùy theo trọng lượng và được gắn tem nhãn ghi rõ số lô, ngày đóng hộp và khuyến cáo thời gian sử dụng.

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 2 vùng sản xuất nhãn xuất khẩu theo quy trình VietGap với diện tích hơn 30 ha, gồm 175 hộ tham gia tại các xã Hàm Tử (Khoái Châu), Hồng Nam (thành phố Hưng Yên); trong đó có hơn 20 ha đã được cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2015. Theo người dân xã Hồng Nam, so với nhãn thâm canh theo cách truyền thống, mỗi ha nhãn sản xuất theo quy trình VietGap chi phí lao động giảm hơn 4 triệu đồng, năng suất quả tươi cao hơn 1 tấn, theo đó cho thu lãi tăng hơn từ 50 đến 60 triệu đồng. 

Theo ông Nguyễn Văn Thế ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, từ khi được tham gia mô hình sản xuất nhãn theo quy trình VietGap, bà con được tập huấn kỹ thuật nên đã chấm dứt việc chăm sóc không phù hợp như: sử dụng phân hữu cơ chưa mục tưới trực tiếp cho nhãn, dùng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất quá ngưỡng hoặc không đủ thời gian cách ly đã thu hoạch. Hiện nay, nông dân xã Hàm Tử vẫn tiếp tục áp dụng kỹ thuật sản xuất nhãn theo quy trình VietGap, có ghi chép nhật ký để bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường. 

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho hay, công ty hiện có hơn 20 nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Thông qua các phương tiện truyền thông, từ nhiều năm nay công ty đã đến Hưng Yên thu mua nhãn. Nhãn lồng của Hưng Yên có chất lượng cao nhất so với nhãn hiện có trên thị trường và được khách hàng tin dùng. Tuy nhiên, ngoài duy trì sản xuất theo quy trình VietGap để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn lồng Hưng Yên cần được quảng bá rộng rãi hơn để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt giữa nhãn Hưng Yên khác biệt với nhãn có xuất xứ từ nơi khác. 

Bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết: để nhãn lồng Hưng Yên mang giá trị thu nhập cao và chiếm lĩnh thị trường, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích sản xuất nhãn theo quy trình VietGap, lấy chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản. Tỉnh cũng luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá rộng rãi sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết sự khác biệt của nhãn lồng Hưng Yên với những loại nhãn sản xuất từ nơi khác. Tại 2 vùng trồng nhãn lớn nhất là huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên đã chủ động liên kết với doanh nghiệp, siêu thị và thị trường có tiềm năng để tiêu thụ nhãn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Mai Ngoan (TTXVN)
Nhãn Hưng Yên mất mùa sau mưa bão
Nhãn Hưng Yên mất mùa sau mưa bão

Do ảnh hưởng của đợt mưa bão cuối tháng 7 vừa qua, vụ năm nay, nhãn Hưng Yên đứng trước nguy cơ mất mùa lớn, nhiều nơi sản lượng giảm hơn 50% so với dự kiến ban đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN