Nhật Bản sửa đổi định hướng ODA

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 28/3 cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ sửa đổi đường lối chỉ đạo đối với Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này để sử dụng nguồn vốn này “một cách chủ động và mang tính chiến lược” vì hoà bình và thịnh vượng trên toàn cầu cũng như vì an ninh và tái sinh nền kinh tế Nhật Bản.    

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã lập một ủy ban gồm các chuyên gia nhằm thúc đẩy thảo luận việc sửa đổi Hiến chương ODA lần đầu tiên trong 11 năm qua kể từ khi điều lệ này được soạn thảo năm 1992 và sửa đổi năm 2003, đồng thời Bộ này dự kiến sẽ biên soạn một hiến chương mới từ nay đến cuối năm 2014. 

Ủy ban này gồm 8 thành viên do ông Taizo Yakushiji, giáo sư danh dự thuộc Đại học Keio đứng đầu, dự kiến sẽ trình báo cáo lên Ngoại trưởng Kishida vào tháng 6 tới. Hiến chương mới sẽ phản ánh quan điểm từ giới lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm dân sự cũng như quan điểm từ công chúng.    

Căn cứ vào chính sách tích cực đóng góp cho hoà bình, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước cùng chia sẻ những giá trị nền tảng như tự do, dân chủ,… khi nước này triển khai ODA tầm chiến lược như là công cụ ngoại giao. ODA sẽ không chỉ giúp loại bỏ đói nghèo mà còn giúp xử lý các vấn đề phát triển và toàn cầu khác như y tế quốc tế, ngăn chặn thiên tai và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.    

Nhật Bản sẽ đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển thông qua việc sử dụng ODA cho các lĩnh vực như xuất khẩu cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ - là nhân tố được cho là sẽ tác động trở lại giúp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng. Hiến chương cũng kêu gọi tăng cường phối hợp giữa tài chính ODA và phi ODA như các quỹ tư nhân nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở các quốc gia nhận nguồn viện trợ này.   

Trong sách trắng ODA công bố vào tháng 2/2014, Nhật Bản đã kêu gọi tăng cường ODA cho châu Á và châu Phi đồng thời cho rằng việc hỗ trợ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là “khoản đầu tư hiệu quả trong tương lai” cho khu vực này và cả Nhật Bản.   
Năm 2012, ODA của Nhật Bản đạt tổng cộng khoảng 10,6 tỷ USD, giảm 2,1% so với năm 2011, xếp hàng thứ 5 sau Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Việt Nam là nước nhận nguồn vốn ODA lớn nhất của Nhật Bản với 1,64 tỷ USD, tiếp đó là Afghanistan với 873 triệu USD, Ấn Độ 704 triệu USD và Iraq 360 triệu USD.


TTXVN/Tin tức
Cần chiến lược quản lý và sử dụng vốn ODA
Cần chiến lược quản lý và sử dụng vốn ODA

Trong 20 năm qua, vốn ODA dành cho Việt Nam đạt gần 80 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh, Việt Nam cần có một chiến lược mới để quản lý và sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN