Cụ thể, trong kỳ báo cáo, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản tăng 22,3% lên 10.000 tỷ yen, chủ yếu do sự gia tăng của kim ngạch nhập khẩu than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ tăng 3,4% lên 6.820 tỷ yen. Kết quả là Nhật Bản bị thâm hụt thương mại hàng hóa lên tới 3.180 tỷ yen, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu khiến thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng là do các công ty Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở nước này đến sớm hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, giá năng lượng nhập khẩu tăng cao và sự mất giá của đồng yen cũng tác động tiêu cực tới cán cân thương mại của Nhật Bản.
Trong khi đó, cán cân thương mại dịch vụ của Nhật Bản chỉ bị thâm hụt 758,4 tỷ yen, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thặng dư du lịch tăng khoảng 14 lần trong bối cảnh số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, cán cân thu nhập của Nhật Bản đạt thặng dư 2.290 tỷ yen, phản ánh thu nhập lãi cao hơn trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đã tăng lãi suất để chống lạm phát, đẩy lợi suất trái phiếu nước ngoài tăng.