Định hướng phát triển kinh tế xanh
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao thành công của diễn đàn qua mỗi kỳ tổ chức. Theo Thứ trưởng, thời gian gần đây sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.
“Từ thực tiễn đó cho thấy, trong thời gian tới chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”; đồng thời, huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội...” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu: Cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030 giảm ít nhất 15% so với năm 2014, và ít giảm ít nhất 30% đến năm 2050. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 trách nhiệm: Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55).
Theo đó, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.
Với các cam kết mạnh mẽ và hành động của Chính phủ, có thể thấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - giảm phát thải, trung hòa carbon tới đây sẽ không chỉ là xu hướng, mà đang dần trở thành con đường tất yếu của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc EU áp dụng CBAM thử nghiệm từ 01/10/2023 và chính thức áp dụng từ 01/01/2026 buộc các doanh nghiệp phải thực hành giảm phát thải carbon và xây dựng tín chỉ carbon để tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu.
Thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…
Tại diễn đàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Trần Quang Dũng chia sẻ về sứ mệnh, trách nhiệm phát triển kinh tế xanh hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.
Theo ông Trần Quang Dũng, với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hằng năm, Petroietnam cung cấp gần 9 - 11 tỷ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70 - 80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước. Petrovietnam cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của Petrovietnam đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của Petrovietnam cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Riêng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ khi chính thức đưa vào vận hành đến nay đã chế biến bình quân khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đảm bảo 30% nguồn cung xăng dầu trong nước, cũng như đáp ứng yêu cầu nhiên liệu của Bộ Quốc phòng. Nếu tính cả Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, hằng năm Petrovietnam đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Ông Trần Quang Dũng cho rằng, để khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và trách nhiệm, trong quá trình hoạt động của mình, Petrovietnam luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia, đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ, cập nhật các công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường và hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn. Petrovietnam và các đơn vị thành viên luôn đảm bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về an toàn, sức khỏe, môi trường (ATSKMT) hiện hành.
Trong đó, các biện pháp, kế hoạch ngăn ngừa, giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm: Áp dụng các biện pháp quản lý chất thải nghiêm ngặt, bao gồm xử lý và tái chế chất thải rắn, lỏng và khí. Hệ thống quản lý chất thải của Petrovietnam đảm bảo rằng tất cả các loại chất thải được xử lý theo đúng quy trình, từ khâu thu gom đến xử lý và tái chế; Thực hiện các giải pháp cải tiến công nghệ, tối ưu hóa vận hành, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng xanh…Các dự án của Petrovietnam đều thực hiện đánh giá tác động môi trường chi tiết, đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm.
Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PROVIETNAM) cho biết, doanh nghiệp được xem là lực lượng “xung kích”, “trọng yếu” cho tăng trưởng và phát triển nên việc nhận thức được vai trò của tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như hiểu rõ vai trò của doanh nghiệp tới công cuộc tăng trưởng xanh của đất nước sẽ giúp doanh nghiệp lồng ghép, định hướng các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh vào quá trình phát triển của mình.
Là đơn vị đầu tiên được Bộ TN&MT chính thức công bố là tổ chức được ủy quyền thực hiện tái chế bao bì, thời gian qua, PRO Việt Nam đã thực hiện các dự án thử nghiệm thu gom và tái chế bao bì của 7 loại vật liệu. Khi quy định EPR có hiệu lực từ năm 2024, với những mô hình, kinh nghiệm đã làm, PRO và các doanh nghiệp trong Liên minh đã thực thi một cách trơn tru việc thu gom, tái chế các bao bì đã qua sử dụng. Theo kế hoạch, năm 2024, PRO Việt Nam sẽ tổ chức thu gom, tái chế 70.000 tấn bao bì đã qua sử dụng cho các doanh nghiệp này.
Về công tác thu gom, PRO Việt Nam đã xây dựng được kênh thu gom đối với một số loại bao bì như vỏ hộp sữa, bao bì nhựa; đồng thời làm việc trực tiếp với các đơn vị tái chế để tận dụng các kênh thu gom . Ví dụ, PRO Việt Nam đang phối hợp, hỗ trợ tài chính cho Công ty nhựa tái chế Duy Tân, Công ty Vikohasan để các đơn vị này tổ chức thu gom, thu mua các loại bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng trong nước.
Đối với khâu tái chế, PRO Việt Nam đã ký hợp đồng với loạt doanh nghiệp có giấy phép tái chế uy tín, công nghệ hiện đại để tái chế các loại bao bì, sản phẩm đã thu gom; thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định của Bộ TN&MT.
Trong thời gian tới, ngoài tổ chức thu gom, tái chế cho các đơn vị trong Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, PRO Việt Nam sẽ mở rộng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp khác trong việc thực thi EPR.
“Rõ ràng, việc thực thi EPR sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tái chế sử dụng nguồn rác thải tái chế trong nước. Về lâu dài, khi nguồn rác thải tái chế trong nước được “bao” đầu ra thì sẽ hạn chế thấp nhất đưa ra các bãi rác hay vào các làng nghề. Chúng tôi rất kỳ vọng, các quy định về phân loại rác tại nguồn cũng như các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ được các địa phương thực thi nghiêm túc, hiệu quả. Khi đó, chúng ta sẽ thực sự có được một hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế rác thải hoàn chỉnh", Bà Chu Thị Kim Thanh khẳng định.
Tại Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub thuộc Hội Nhà báo Việt Nam do nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, Phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ đã kêu gọi và truyền cảm hứng đến những người làm báo tham gia mạnh mẽ Giải thưởng Báo chí Phát triển Xanh lần thứ Nhất (2023-2025)...
Đây cũng là một hành động thiết thực của giới báo chí đồng hành cùng thúc đẩy toàn xã hội với vai trò nòng cốt là các doanh nghiệp, cùng đến đích Xanh của nền kinh tế trong tương lai...