Nhiều dự án giao thông tốc độ “rùa”

Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai và hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, đội vốn gây bức xúc trong dư luận.


5 năm làm… 5 km đường


Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay đổi tên thành Phạm Văn Đồng) là dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của công ty nước ngoài là Công ty GS E&C Hàn Quốc. Đây là tuyến đường thuộc đường vành đai số 1 (theo quy hoạch giao thông đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh có 4 đường vành đai), đi qua địa bàn quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với tổng chiều dài 13,6 km, tổng vốn đầu tư hơn 340 triệu USD. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp các phương tiện qua sông Sài Gòn mà không cần đi xuyên qua trung tâm thành phố, giảm ùn tắc giao thông; kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, mở đường cho việc phát triển trung tâm đô thị phía bắc thành phố.

 

Đoạn đường Phạm Văn Đồng thuộc quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Minh - TTXVN


Giữ vai trò quan trọng là vậy nhưng sự chậm trễ trong tiến độ thi công của tuyến đường này lại khiến ít ai ngờ tới. Năm 1997, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, 8 năm sau (2005), UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định điều chỉnh phương án tuyến, 3 năm sau (2008) ra quyết định thu hồi đất và 3 năm sau nữa (2011) lại có quyết định điều chỉnh diện tích thu hồi đất.


Kể từ tháng 10/2004 là thời điểm UBND thành phố và Công ty xây dựng GS E&C Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ, phải hơn 3 năm sau, Công ty này mới được trao giấy chứng nhận đầu tư. Đến ngày 9/6/2008 dự án mới động thổ và ngày 28/9/2013, thành phố tổ chức thông xe đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu - quốc lộ 13 dài 4,7 km. Như vậy, mất hơn 10 năm dự án mới được triển khai và để hoàn thành gần 5 km đường cũng phải mất 5 năm thi công. Tính đến ngày 28/9/2013, dự án mới hoàn thành được 75% khối lượng công trình gồm các hạng mục nền đường, hệ thống thoát nước, cầu, kết cấu mặt đường, các hạng mục phụ trợ trên địa bàn quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với 9 km/13,6 km toàn tuyến.


Dự án đường Phạm Văn Đồng đã khiến 3.988 hộ dân, đơn vị bị ảnh hưởng và phải di dời. Hiện quận Gò Vấp vẫn còn 47 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất giá đền bù. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Tân Bình vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Trong buổi tiếp xúc mới đây với 47 hộ dân quận Gò Vấp, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã xin lỗi người dân vì để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu quận Tân Bình giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các trường hợp còn tồn đọng, kể cả giải quyết khiếu nại và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cho chủ đầu tư thi công đúng tiến độ.


Lùi thời gian khai thác


Cùng với đường Phạm Văn Đồng, một dự án giao thông trọng điểm khác cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ là dự án đường sắt đô thị. Dự án này được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ nghiên cứu từ năm 2003, sau đó được đưa vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, thành phố có 7 tuyến metro (sau điều chỉnh lên thành 8 tuyến), tổng chiều dài 172,6 km (tăng 78,2 km so với quy hoạch), 3 tuyến xe điện chạy trên mặt đất dài 56,5 km (tăng 22 km so với quy hoạch). Hiện chỉ có 2 tuyến là tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương đã có nhà đầu tư, đang triển khai xây dựng và đều chậm tiến độ ít nhất 2 năm. Các tuyến còn lại đang được đăng ký vay vốn ODA và các hình thức kêu gọi đầu tư khác.


Tuyến Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km (vốn đầu tư gần 2,5 tỉ USD) có 5 gói thầu, đang triển khai 3 gói thầu gồm gói thầu 1b (xây đoạn ngầm ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son), gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot, khối lượng thi công đạt 15% so với hợp đồng) và gói thầu số 3 (cung cấp thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe và bảo dưỡng). Do chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật nhà ga ngầm Bến Thành nên năm 2009 dự án mới hoàn thành, năm 2020 mới đưa vào khai thác, chậm 2 năm so với đề án được duyệt. Tính đến 7 tháng đầu năm 2014, giải ngân vốn vay ODA cho tuyến số 1 chỉ đạt 39,3%.


Cũng với dự án này, gói thầu Tư vấn chung hiện đang tạm ngưng thanh toán liên quan đến sự kiện Công ty tư vấn JTC Nhật Bản (nghi án đưa hối lộ cho quan chức ngành giao thông Việt Nam - phóng viên), khiến nhiều kĩ sư phải nghỉ việc do không có lương. Về vấn đề này, thành phố đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm đàm phán với Nhật Bản để nối lại việc giải ngân. Ngoài ra, việc triển khai tuyến số 1 còn gặp khó do đoạn cuối tuyến thuộc huyện Dĩ An, Bình Dương vẫn còn 2 hộ sản xuất chưa bàn giao mặt bằng. Trong buổi làm việc mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhắc nhở và yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Dương phải giải quyết dứt điểm, chậm nhất là tháng 10/2014 để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.


Trần Xuân Tình

Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông
Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông

Tai nạn giao thông trong những ngày lễ, Tết liên tiếp xảy ra luôn là nỗi lo lắng đối với mọi người dân; còn nhiều lỗ hổng trong việc quản lý bến bãi; xe quá khổ quá tải... là những vấn đề được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN