Nhiều giải pháp công trình phòng chống sạt lở ở Trà Vinh

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh, tỉnh đang thực hiện 14 công trình với tổng kinh phí hơn 1.657 tỷ đồng, nhằm chủ động ứng phó với thiên tai.

Cụ thể, để đảm bảo an toàn tính mạng và bảo vệ diện tích sản xuất của người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, tỉnh đầu tư gần 647 tỷ đồng xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, như xây đê ven cửa sông Cổ Chiên bảo vệ khu dân cư thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; thực hiện các dự án chống xói lở, gây bồi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Hiệp Thành, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, thị trấn Định An, huyện Trà Cú; xử lý sạt lở chân kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển…

Tỉnh đầu tư hơn 581 tỷ đồng nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông; đầu tư gần 189 tỷ đồng xây dựng Khu tránh trú bão kết hợp nâng cấp, mở rộng cảng cá Định An, huyện Trà Cú và Khu neo đậu tránh, trũ bão cho tàu cá cửa Cung Hầu.

Bên cạnh đó, tỉnh dành hơn 240 tỷ đồng thực hiện 2 công trình phòng, chống hạn mặn, nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh mương; mở rộng các trạm cấp nước sạch phục vụ người dân tại tại các địa phương bị ảnh hưởng hạn, mặn nghiêm trọng.

Ông Kim Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh  cho biết, hiện nay, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu rất phức tạp; bão, triều cường, nước biển dâng… ngày càng khó lường, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người dân.

Từ đầu năm đến nay, triều cường dâng cao gây vỡ nhiều đoạn đường trên địa bàn thành phố Trà Vinh và xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần; sạt lở bờ bao với tổng chiều dài gần 1.300 m ở thị trấn Châu Thành, xã Đức Mỹ và Đại Phước, huyện Càng Long, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải; sụt lún gần 300 m2 mái kè ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải. Cùng với đó, mưa lớn kèm lốc xoáy gây thiệt hại gần 100 căn nhà và nhiều diện tích hoa màu của người dân trong tỉnh. Tổng thiệt hại do thiên tai 8 tháng qua ước hơn 3 tỷ đồng.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với việc thực hiện các giải pháp công trình, tỉnh tăng cường trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển, bờ biển, bờ sông; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật chống lấn chiếm bờ sông, bờ biển, hạn chế đào ao nuôi tôm ven bờ sông hoặc sát mặt đê. Các địa phương vận động nhân dân xây dựng hàng rào bờ sông với các cây trồng như lá dừa nước, lục bình để tạo bãi bồi chống sạt lở…

Thanh Hòa (TTXVN)
Nguy cơ tái nghèo vùng sạt lở ở Kon Tum
Nguy cơ tái nghèo vùng sạt lở ở Kon Tum

Sau hai làng Tu Thó (xã Tê Xăng) và Tumơrông (xã Tumơrông), đến nay, tình trạng sạt lở đã lan rộng đến làng Kon Hia 1 (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tumơrông, tỉnh Kon Tum).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN