Nhiều giải pháp vẫn không 'khơi thông' được cảng Cát Lái

Sau khi làm việc với Bộ Trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ngày 31/7, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Cục Hàng Hải Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm ùn tắc tại bến cảng Cát Lái, trong đó có nhiều giải pháp đã và đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp thì những giải pháp này chỉ mang tính tạm thời và chưa đáp ứng được tình hình hàng hóa về cảng ngày càng tăng. Nhất là từ nay đến cuối năm, hàng hóa về Tết sẽ còn tăng mạnh.


Những nguyên nhân quá tải


Theo báo cáo của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, từ sau lễ 30/4 đến ngày 8/7/2014, tình hình ùn ứ hàng hóa tại Cảng Cát Lái kéo dài do ảnh hưởng thời tiết mưa bão và tập trận của hải quân của các nước ở biển Hoa Đông, dẫn đến lịch trình tàu thường xuyên chậm trễ. Theo đó, việc bố trí cầu bến tại cảng Cát Lái cũng bị xáo trộn. Đặc biệt, sản lượng container hạ bãi hàng xuất tồn tại cảng tăng mạnh do không xuất ngay xuống tàu được, gây ùn ứ cục bộ tại bãi. Theo thống kê, từ giữa tháng 6/2014 đến nay, hàng tuần có từ 26 -33/tổng số 60 chuyến tàu tới cảng trễ lịch so với lịch đăng ký chuyên tuyến bình quân của mỗi chuyến tàu là 27 giờ.


Mặt khác, từ ngày 9/6/2014 cơ quan Hải quan áp dụng chương trình thông quan điện tử mới (Vnaccs/Vcis), đây là chương trình thông quan ưu việt, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian đầu do yêu cầu của hệ thống, sản lượng chuyển container qua máy soi tăng mạnh. Theo thống kê, từ 9/6 – 9/7 sản lượng container chuyện qua máy soi tại cảng Cát Lái gần 3.900 TEU, tăng gần gấp 3 lần so với tháng trước đó. Trong khi đó, năng lực bến bãi của cảng có giới hạn, chỉ đáp ứng được 60% yêu cầu trên, dẫn đến khách hàng phải chờ rất lâu, từ 2 -3 ngày để soi chiếu.


Thêm vào đó, sảng lượng container thông qua các cảng biển trong 6 tháng đầu năm 2014 tại TP Hồ Chí Minh tăng 16%, khu vực Cái Mép tăng 46% so với cùng kỳ năm 2013. Hầu hết, các cảng trong khu vực đều có sự tăng trưởng cao như Cảng VICT tăng 40%; cảng SPCT tăng 32%; riêng cảng Cát Lái tăng 12,5%. Tuy nhiên, cảng Cát Lái còn phải tiếp nhận trên 60% tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập tàu cho khu vực Cái Mép do khách hàng chủ yếu giao nhận hàng tại cảng Cát Lái thay vì giao nhận trực tiếp tại Cái Mép.


Tình trạng ùn ứ container tại cảng Cát Lái. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN


Ngoài ra, từ ngày 1/4 các cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra tải trọng phương tiện vận chuyển đường bộ. Theo đó, số lượng xe tải thiếu dẫn đến năng lực giao nhận hàng hóa của các phương tiện khách hàng tại các cửa khẩu cảng biển giảm xuống, hàng hóa tồn tại các kho bãi cảng kéo dài. Thống kê từ ngày 1/4 đến nay, thời gian lưu bãi bình quân của một container hàng tại cảng Cát Lái tăng 22% - 26% so với trước, điều này làm cho dung lượng bãi cảng luôn trong tình trạng quá tải.


Việc cải tạo, nâng cấp mở rộng mặt đường tuyến Vành đai phía Đông TP Hồ Chí Minh từ tháng 7/2014 cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải, ùn tắc giao thông khu vực ngoài cảng, làm cho tốc độ giao nhận hàng hóa khách hàng chậm lại, gia tăng áp lực tồn bãi cho cảng Cát Lái.


Trước tình hình trên, chất lượng dịch vụ tại cảng Cát Lái cũng bị suy giảm. Cụ thể, năng suất giải phóng tàu có nhiều thời điểm chỉ đạt 45 container/giờ/tàu (giảm 25% so với bình thường là 60 container/giờ/tàu). Điều này đã ảnh hưởng đến thời gian giao nhận hàng hóa bình quân đối với khách hàng, tăng 20% (trung bình 40 phút/container so với 32 phút trước đây. Có những lô hàng nhập khẩu, khách hàng phải chờ sang ngày hôm sau mới nhận được. Bên cạnh đó, công tác bố trí cầu bến cho các tàu trong khoảng thời gian từ 25/6 – 8/7/2014 rất khó khăn. Nhiều chuyến tàu phải chờ cầu từ 18 – 20 tiếng so với yêu cầu tăng mạnh.


Nhiều giải pháp nhưng chưa cải thiện


Để giảm ùn ứ tại cảng Cát Lái, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng năng lực và điều hành sản xuất linh hoạt. Cụ thể, đầu tư thêm 4 cầu bờ, 10 cẩu bãi và nâng cấp bãi hàng tại cảng với tổng mức đầu tư khoảng 875 tỉ đồng.


Bên cạnh đó, Tổng công ty tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công, mua sắm thiết bị và các công tác chuẩn bị để sớm đưa Cảng Tân cảng – Hiệp Phước vào sử dụng. Song song đó, cảng Cát Lái đã triển khai bổ sung hàng loạt giải pháp linh hoạt trong sản xuất như: tận dụng tối đa khoảng trống trong cảng để hạ container, tăng chiều cao xếp chồng container, chuyển phần lớn container rỗng ra khu vực ngoài cảng, dành diện tích cho container hàng, kết hợp làm hàng nhập và xuất tàu đồng thời trong các thời điểm bãi quá tải nặng, tăng cường tối đa cường độ hoạt động của các ca kịp, bổ sung phương tiện cơ giới…


Tổng công ty cũng điều chỉnh chính sách giá đối với phương án nâng container giao cho khách hàng nếu khách hàng lấy container muộn từ ngày thứ 7 trở đi; điều chỉnh mốc thời gian cho phép khách hàng hạ bãi container chờ xuất trước khi tàu cập là 7 ngày, đồng thời định mức số lượng container rỗng cho từng hãng tàu được phép để lại cảng Cát Lái từ ngày 15/7/2014. Theo đó, lượng hàng tồn container rộng hàng ngày giảm còn khoảng 9.000 TEU (trước đây dao động từ 10.500 – 11.500 TEU). Trong đó, lượng container tồn bãi chờ xuất giảm bình quân 1.000 TEU/ngày. Từ 1/8/2014, Tổng công ty cũng ngưng tiếp nhận container hàng nhập được chuyển từ các cảng khác ngoài hệ thống Tổng công ty (trong khu vực TP Hồ Chí Minh, Cái Mép) chuyển về cảng Cát Lái.


Cơ sở hạ tầng Cảng Cát Lai chưa đáp ứng với tình hình hàng hóa ngày càng tăng. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN


Nhiều giải pháp về hỗ trợ khách hàng trong trường hợp hàng hóa ùn ứ cũng được đưa ra. Tuy nhiên, theo Cục Hải Quan và các doanh nghiệp, những giải pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời và chưa triệt để. Ông Phan Minh Lê, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết: Sau khi phân tích và tìm hiểu nguyên nhân về cải cách thủ tục hải quan, số liệu cho thấy lượng hàng hóa thông quan ra khỏi cảng trong tháng 4, tháng 5 (trước khi thực hiện Vnaccs/Vcis) lần lượt là 82.000 đến 84.000 container. Sau khi triển khai Vnaccs/Vcis trong tháng 6, số lượng hàng hóa được thông quan lên đến 91.000 container. Như vậy, từ khi triển khai hải quan điện tử thì số lượng hàng hóa được thông quan tăng mạnh. Theo đó, việc chậm trễ mà Tổng công ty đưa ra thực tế là do hoạt động kinh doanh sản lượng container tại cảng mỗi ngày mỗi tăng, cộng thêm mặt bằng của cảng không đáp ứng với tình hình hiện nay, dẫn đến quá tải.


Ông Vũ Quang Thành, Công ty dịch vụ xuất nhập khẩu Thái Hoàng An cũng đồng tình cho biết thêm, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nên mở rộng thêm cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm trang thiết bị để phục vụ cho lấy hàng hóa nhanh chóng hơn. Bởi hiện nay, cảng không đáp ứng đủ đầu kéo cho doanh nghiệp lấy hàng ra khỏi cảng, buộc lòng doanh nghiệp phải lưu hàng hóa lại.


Bà Dương Thị Hoàng Yến, Công ty xuất nhập khẩu Hoàng Oanh cho rằng, cơ sở hạ tầng bến cảng chưa đáp ứng với lượng hàng hóa ngày càng tăng cao, Tổng công ty lại điều chỉnh giá lưu bến bãi khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong tình hình kinh tế hiện nay. Điều này không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn là gánh nặng cho người tiêu dùng khi buộc phải đẩy giá thành hàng hóa lên cao. Theo đó, Tổng công ty nên cân nhắc lại các giải pháp và mở rộng cơ sở hạ tầng để giảm áp lực cho doanh nghiệp.


Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ngày 31/7, đại diện Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh khẳng định: 100% nguyên nhân gây ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái không phải là do triển khai hệ thống hải quan điện tử Vnaccs/Vcis, chỉ một phần nguyên nhân quy định soi kiểm hàng hóa 100%. Hiện nay, ngành Hải quan đã đồng ý cho soi kiểm theo tỉ lệ, điều này giúp giảm đáng kể việc thông quan hải quan nhanh hơn, không gây ùn ứ.


Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đề nghị chuyển trạm cân xe quá tải ra khỏi khu vực cảng Cát Lái để tránh hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ bên ngoài cảng. Đồng thời, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các doanh nghiệp, các chủ hàng cam kết không chở hàng quá tải. Nếu có phát hiện vi phạm, sẽ phạt doanh nghiệp và chủ hàng chứ không phạt tài xế như trước đây.



Hải Yên

Đường vào cảng Cát Lái 3 lần sửa vẫn lún
Đường vào cảng Cát Lái 3 lần sửa vẫn lún

Hai tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái (quận 2, TP Hồ Chí Minh) là đường Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống mặc dù đã được sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục bị lún, trồi nhựa gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN