Với các tỉnh/thành trong cả nước, Ninh Thuận là địa phương luôn thiếu mưa, thừa nắng quanh năm. Mùa mưa chính ở tỉnh chỉ tập trung vào 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, do cuối năm 2019 không có giọt mưa nào nên hiện nay, Ninh Thuận đang rơi vào tình thế khó khăn về nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi.
Thách thức từ khô hạn
Là tỉnh luôn đối mặt với khô hạn, do đó, để đảm bảo điều kiện sản xuất, Ninh Thuận luôn được Trung ương quan tâm hỗ trợ xây dựng nhiều công trình thủy lợi lớn, nhỏ để tích nước phục vụ sản xuất. Tính đến thời điểm hiện nay, Ninh Thuận có tổng cộng 21 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế 194,49 triệu m3. Tuy nhiên, hầu hết các hồ chứa đều không có nước nguồn cung cấp thường xuyên, chủ yếu là tích nước nên cứ kịch bản khô hạn xảy ra là các hồ đều cạn trơ đáy.
Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc Phụ trách Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác các công trình thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, trong gần 1 năm qua, do không có mưa nên nhiều hồ chứa của tỉnh đang rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, có hồ đã cạn trơ đáy như: Hồ Phước Trung; hồ Phước Nhơn của huyện Bác Ái; hồ Ba Chi; hồ Bà Chi; hồ Bà Râu của huyện Thuận Bắc; hồ Ông Kinh; hồ Thành Sơn của huyện Ninh Hải; Hồ Bấu Ngứ; hồ Sông Biêu của huyện Thuận Nam…
Tính đến ngày 17/2, lượng nước ở 21 hồ chứa của tỉnh chỉ đạt 60,97 triệu m3, chiếm 35,9% dung tích thiết kế. Riêng hai hồ chứa ở huyện miền núi Bác Ái là Sông Sắt và Trà Co, tuy lượng nước còn khoảng 50% dung tích thiết kế nhưng cũng chỉ xả cầm chừng đủ để phục vụ một số diện tích sản xuất và chăn nuôi của Bác Ái. Trông chờ của tỉnh hiện nay là nguồn nước xả về từ hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) qua nhà máy thủy điện Đa Nhim để phục vụ sản xuất và nước cấp cho sinh hoạt. Hiện lượng nước của hồ còn hơn 120 triệu/165 triệu m3 dung tích thiết kế.
Ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước khó khăn về nguồn nước tưới, ngay vụ Đông Xuân 2019- 2020, Ninh Thuận phải tạm dừng sản xuất khoảng 7.500 ha. Đây là diện tích dừng sản xuất nhiều nhất từ trước tới nay; trong đó, có nhiều địa phương phải dừng sản xuất nhiều vụ trong năm như ở huyện Thuận Nam và một số địa phương của huyện Ninh Phước, Thuận Bắc và Bác Ái.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam Diệp Minh Xuân cho biết, so với các huyện trong tỉnh thì Thuận Nam là địa phương chịu tác động của khô hạn rõ nhất và nặng nhất. Hiện tại hai hồ chứa được xem là lớn nhất của huyện đó là Sông Biêu với dung tích chứa hơn 23 triệu m3 và Tân Giang dung tích chứa hơn 13 triệu m3, giờ chỉ còn hơn 1,7 triệu m3.
Trong hơn một năm nay, huyện Thuận Nam phải dừng sản xuất với diện tích 1.800 ha, chủ yếu là vùng hạ lưu xã Phước Nam, Phước Ninh và một số vùng của xã Nhị Hà và Phước Hà. Một số diện tích nằm trong diện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng phải cắt giảm, bỏ hoang đất do không có nước để cày ải trồng trọt hoa màu.
Tập trung ứng phó
Theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, hiện nay dù lượng nước ở hồ Đơn Dương còn hơn 120 triệu/165 triệu m3, chiếm hơn 72% dung tích thiết kế, nhưng để có lượng nước phục vụ cho tỉnh theo nhu cầu và lâu dài thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần có sự chỉ đạo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và sự thống nhất của Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi trong vấn đề điều tiết, xả với lưu lượng phù hợp để vừa phục vụ sản xuất điện của nhà máy, đồng thời đáp ứng được nước tưới cho vùng hạ lưu ở tỉnh Ninh Thuận.
Ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đã chủ động làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để thống nhất kế hoạch cấp nước mùa hạn năm 2020 cho tỉnh Ninh Thuận, thuộc khu vực phía hạ du nhà máy thủy điện Đa Nhim.
Tuy lãnh đạo công ty cam kết thực hiện điều tiết nước theo nhu cầu của tỉnh để phục vụ chống hạn. Thế nhưng, thực tế hiện nay, nguồn nước vào hồ Đơn Dương chỉ đạt 6,35 m3/giây trong khi lưu lượng xả của hồ tới 14,52 m3/giây. Do đó, nguy cơ thiếu nước là khó tránh khỏi.
Ông Đặng Kim Cương cho biết thêm, trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị EVN, Trung tâm điều độ ưu tiên nguồn nước theo kế hoạch của tỉnh; đồng thời có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Lâm Đồng giữ lại và không xả nguồn nước tối thiểu 2,1 m3/giây về hạ du sông Đa Nhim (theo giấy phép sử dụng nguồn nước mặt do Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép) để tích và đảm bảo nguồn nước cấp để tỉnh ứng phó với hạn từ nay đến vụ Hè Thu năm 2020.
Trước diễn biến của khô hạn, ngay vụ Đông Xuân 2020, tỉnh Ninh Thuận đã có kịch bản triển khai sản xuất phù hợp với tình hình thiếu nước tưới. Trong 3 phương án sản xuất được đưa ra bàn thảo, ngành nông nghiệp đã thống nhất chọn phương án 1, đó là điều chỉnh diện tích sản xuất xuống còn khoảng 19.570 ha (giảm gần 8.000 ha so với cùng kỳ); trong đó, lúa hơn 11.700 ha và chỉ cho sản xuất ở vùng chủ động được nưới tưới.
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện diện tích sản xuất trong năm 2020 để đối chiếu với các năm trước; qua đó, để có sự so sánh, thấy được thiệt hại để có biện pháp ứng phó, hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần dự báo cụ thể tình hình thời tiết, nguồn nước tưới để triển khai sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh cần kiến nghị và có đề xuất cụ thể để Cục Trồng trọt có cơ sở làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ hỗ trợ cho địa phương về cây, con giống… theo đúng nhu cầu, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới sản xuất bền vững.
Với Ninh Thuận, nhiệm vụ quan trọng được xác định hiện nay đó là sử dụng nước tiết kiệm từ đầu nguồn đến cuối nguồn tại các công trình thủy lợi, tránh để dư nước về hạ lưu; tổ chức phát dọn kênh mương khơi thông dòng chảy và tổ chức củng cố duy trì các tổ PIM (tổ dẫn nước) để điều tiết nước từng cánh đồng, vùng sản xuất, tránh lãng phí và tranh giành nguồn nước tưới.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, không thể cứ dựa vào nguồn nước xả từ nhà máy thủy điện Đa Nhim, trong khi tình hình khô hạn diễn biến ngày càng khó lường. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phát huy công năng công trình hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và các kênh nhánh; đồng thời phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tiếp nhận tạm thời hạng mục công trình đập dâng và tuyến đường ống kênh chính, đoạn K 11 đến K 21 để đưa nước cấp cho một số hồ chức bị thiếu nước như hồ Phước Trung, hồ Phước Nhơn, hồ Thành Sơn và vùng cuối kênh Bắc thuộc hệ thống đập dâng Nha Trinh…
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị chủ đầu tư) khẩn trương thi công, hoàn thành các tuyến kênh nhánh cấp I của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, đặc biệt là 3 tuyến kênh quan trọng là TM 7, TM 17 và TM 20, qua đó sớm đưa vào sử dụng phục vụ chống hạn.