Sau thời gian dài trầm lắng, đầu năm nay giá lợn hơi tại các tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Tây Ninh... bất ngờ tăng cao đã kích thích người chăn nuôi đổ xô đầu tư phát triển đàn, bất chấp những cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thừa, giá cả tụt dốc.
Ồ ạt chăn nuôi
Là công nhân viên chức, không có kinh nghiệm chăn nuôi nhưng mới đây chị Nguyễn Thị Minh ở phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh (Tây Ninh) vẫn quyết định dành toàn bộ vốn liếng gần 600 triệu đồng đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn. Dưới cái nóng hầm hập những ngày cuối tháng 5, đàn lợn giống hơn 100 con của gia đình chị đang uể oải lớn trong sự hồi hộp mong chờ ngày xuất chuồng của gia chủ.
Với thâm niên gần 10 năm chăn nuôi lợn, anh Hoàng Trọng Thức ở xã Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cũng vừa đầu tư thêm hơn 1 tỷ đồng mở rộng quy mô trang trại. Hiện trang trại lợn của anh đã có gần 3.000 con lợn thịt và với giá cả hấp dẫn như hiện nay anh vẫn đang ấp ủ kế hoạch sẽ huy động vốn liếng phát triển thêm.
Giá lợn tăng cao, nhiều người nuôi bỏ qua cảnh báo nguy cơ cung vượt cầu. Mạnh Linh-TTXVN |
"Giá lợn hơi đã đạt mức cao nhất trong gần 2 năm qua với mức lời trung bình từ 1,3-1,6 triệu đồng/con mà vẫn không đáp ứng được cơn khát của thị trường. Nguyên nhân do tại Trung Quốc giá lợn hơi tăng cao đã tạo mức chênh lệch lớn với giá nhập khẩu từ Việt Nam (khoảng 10.000 đồng/kg) khiến thương nhân Trung Quốc tăng cường thu gom cung cấp cho thị trường nội địa. Giá lợn hơi thương phẩm tăng cao đã đẩy giá lợn giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi cũng đang tăng từ 90.000 đồng/kg thời điểm đầu năm 2016, hiện lên mức 120.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi vẫn hết sức khó khăn tìm nguồn giống", anh Thức cho hay.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nhiều trang trại chăn nuôi đang "lo lắng" vì không biết "đào" đâu ra lợn để bán cho thương lái. Dù giá đã lên cao ngất ngưởng, đạt mức giá từ 50.000 - 55.000 đồng/kg lợn hơi nhưng vẫn không đủ cung ứng các đơn hàng của đối tác Trung Quốc. Tính tới thời điểm tháng 5/ 2016 tại tỉnh Đồng Nai - vùng chăn nuôi lợn lớn nhất nước đã phát triển đàn lợn tăng khoảng 40% so với cùng kỳ. Tương tự tại các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước... đàn lợn cũng đang tăng lên chóng mặt với số lượng ước tính tăng 20 - 30%. Chỉ tính 4 tháng đầu năm 2016, số lượng lợn giống xuất xưởng đã tăng hơn 30% và tổng đàn lợn hiện tại của cả nước đã đạt gần 28 triệu con.
Đối mặt rủi ro
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, dù cho lợi nhuận cao nhưng người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều bất an trong sản xuất. Trung Quốc là thị trường dễ tính nhưng luôn khó lường và có thể ngừng mua bất cứ lúc nào. Từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có khoảng 500 tấn lợn hơi được thương lái thu gom xuất sang Trung Quốc, nhưng hiện con số này đang có dấu hiệu giảm.
"Trung Quốc chỉ mua lợn mỡ, có trọng lượng từ 120 kg trở lên và hoàn toàn đối lập với thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Biết được yếu điểm này, nếu tình trạng nguồn cung thừa mứa người chăn nuôi rất dễ bị ép giá, có thể phải bán dưới giá thành. Hiện người chăn nuôi lợn đang trong tâm trạng lo lắng được ngày nào hay ngày nấy, không an toàn vì thực chất thương lái trong nước chỉ biết đem lợn sang biên giới bán mà không có bất kỳ 1 hợp đồng ràng buộc nào. Nếu phía thương lái Trung Quốc đột ngột ngưng mua, số phận con lợn cũng sẽ trắc trở, bi kịch tương tự như rất nhiều nông sản của Việt Nam trong thời gian qua khi giao dịch với thị trường nước bạn có vấn đề", ông Công lo lắng.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc quá phụ thuộc buôn bán với thị trường Trung Quốc tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nguyên nhân các giao dịch kinh doanh giữa 2 bên vẫn chủ yếu theo hình thức mua bán tiểu ngạch, không có hợp đồng với thời gian giao hàng, giá bán... cụ thể nên rất nhiều nguy cơ như: ngưng trệ khi cơ quan chức năng nước bạn cấm biên, ép giá khi thương lái Trung Quốc "trở chứng" ngưng mua... Trong khi đó chỉ còn khoảng 1 tháng nữa các tỉnh phía Nam và Trung Quốc sẽ bắt đầu bước vào mùa mưa. Lúc này việc vận chuyển, buôn bán sẽ khó khăn hơn và áp lực đầu ra sẽ đè nặng lên vai người chăn nuôi.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa đưa ra cảnh báo đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lợn xuất khẩu sang Trung Quốc. Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho hay Trung Quốc vừa công bố Danh sách những quốc gia, khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt (bao gồm thịt lợn) và điều đặc biệt quan tâm là danh sách này chưa có tên Việt Nam. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu lợn sang thị trường này dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện giá lợn đang có dấu hiệu hạ nhiệt và tại các cửa khẩu phía Bắc đã có tình trạng lợn hơi dồn ứ gây lo lắng cho thương lái trong nước.
"Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã khuyến cáo về hậu quả của việc tăng đàn tràn lan nhưng người chăn nuôi vẫn bất chấp những cảnh báo này, tiếp tục phát triển đàn. Không thể trách nhà nông vì thực tế nền nông nghiệp nước ta nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vẫn thiếu cơ chế, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, nhà nông. Do đó, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần chủ động dự báo thị trường để có thể giúp người dân biết rõ khi nào nên tăng, giảm đàn nhằm giữ giá bán ổn định và tránh được rủi ro", ông Nguyễn Trí Công than thở.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thường xuyên phát đi thông điệp cảnh báo người chăn nuôi thận trọng tái đàn sau những diễn biến bất thường từ việc buôn bán qua biên mậu, nhưng mọi chuyện vẫn lặp đi lặp lại mà chưa có hướng giải quyết, vì còn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc thì tình trạng bất ổn sẽ chưa chấm dứt. Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, gần đây có những ngày ở khu vực biên giới có tới 60 - 70 xe lợn được tập kết. Tuy nhiên, phía Trung Quốc có thể dừng thu mua mà không báo trước. Nguyên nhân của tình trạng này là do thương lái Trung Quốc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, vì vậy, chúng ta không thể biết trước được kế hoạch mua của họ. Để không lặp lại tình trạng này, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, kế hoạch sản xuất ổn định. Còn về lâu dài, để giảm rủi ro phải hướng đến xuất khẩu theo hình thức chính ngạch. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Cần nhận định đây không phải là lần đầu nông sản, thực phẩm Việt Nam ồ ạt đổ lên biên giới Trung Quốc. Các thương lái Trung Quốc vì lợi ích kinh tế sẽ không từ bỏ mọi thủ đoạn hòng ép giá hàng hóa Việt Nam. “Chiêu trò” thường thấy là họ thường đẩy giá lên cao để nông dân ồ ạt sản xuất và thu mua. Sau đó, thương lái Trung Quốc sẽ đột ngột hạ giá, ép giá nông dân. Chiêu này đã lặp đi lặp lại, do đó nông dân và doanh nghiệp phải cảnh giác. Mặt khác, thương mại Việt Nam - Trung Quốc qua đường tiểu ngạch mang tính rủi ro cao vì không hợp đồng, không ràng buộc pháp lý. Vai trò của các cơ quan chức năng là phải cảnh báo sớm. Tôi cho rằng việc khuyến cáo của Bộ Công Thương vẫn muộn khi mà nông dân đã ồ ạt chở lợn lên biên giới Trung Quốc. Về lâu dài, cần hướng đến thương mại đa phương và dựa trên đặc tính mỗi đối tác để có phương án ứng xử phù hợp. Hữu Vinh - Nam Hoàng (ghi) |