Nhiều sức ép nhưng giá cả khó tăng ồ ạt

Sau nhiều tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm và tăng thấp thì CPI tháng 8/2013 đang khiến không ít người lo ngại do chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: Giá điện tăng 5%; Hà Nội tăng viện phí, giá sữa, gas tăng từ ngày 1/8. Đó là chưa kể tới hiệu ứng của những lần tăng giá xăng dầu vừa qua.

 

Kiểm soát lạm phát vẫn thuận lợi

 

Một số chuyên gia kinh tế nhận định: CPI tháng này chắc chắn bị ảnh hưởng nhưng sẽ không nhiều vì sức mua còn yếu. Do vậy, hiện tượng giá cả hàng hóa “té nước theo mưa” là điều ít xảy ra.

 

Các siêu thị phải từ chối đề nghị tăng giá của nhà cung cấp do sức mua chậm. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN


Theo Vụ giá (Tổng cục Thống kê - TCTK), việc tăng giá điện 5% từ đầu tháng 8/2013 sẽ khiến CPI tháng này tăng thêm khoảng 0,12%. Đây là mức tác động vòng một, trực tiếp lên giá cả. Tuy nhiên không chỉ TCTK mà một số chuyên gia kinh tế cũng băn khoăn về việc giá điện tăng còn tác động vòng hai vào sản xuất và từ sản xuất sẽ khiến giá thành các sản phẩm tăng theo thì chưa lường hết được”.


Theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức, sau khi giá điện, gas, sữa và xăng dầu tăng gần đây, tạm thời giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn khá ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dồi dào, trong khi sức mua vẫn chưa được cải thiện nhiều cho nên giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn chỉ tăng nhẹ từ 3 - 5% so với những tháng trước.


Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Sau khi giá điện tăng 5%, giá xăng dầu, nước sạch, viện phí ở Hà Nội điều chỉnh sẽ khiến giá nhiều mặt hàng không thể không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các siêu thị hiện không hề muốn tăng giá bởi sức mua vẫn rất yếu”.


Đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Giải pháp tốt nhất để kiểm soát giá cả hàng hóa hiện nay là hiệp hội các nhà siêu thị và doanh nghiệp (DN) phân phối hàng hóa phải ngồi với nhau để đàm phán, cân nhắc mặt hàng nào đáng tăng và tăng ở mức nào là hợp lý. “Bên cạnh đó, siêu thị cũng phải tiết kiệm các khoản chi phí khác để giá bán hàng hóa ít bị ảnh hưởng”, ông Phú nói. Để kích cầu người tiêu dùng, đại diện một số siêu thị cũng đề xuất nên giảm thuế giá trị gia tăng (VAT xuống còn 2,5 - 5% (hiện là 5 - 10%) để người tiêu dùng có điều kiện tiết giảm chi phí và thúc đẩy sức mua.
“Một số đơn vị đã đề xuất tăng giá nhưng do hợp đồng ký kết giữa hai bên là dài hạn nên chúng tôi chưa phản hồi lại. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh giá thì cũng không thể quá mạnh được vì có một số mặt hàng trong diện phải bình ổn”, lãnh đạo siêu thị Metro cho biết.


Báo cáo mới nhất của Ủy ban giám sát tài chính (UBGSTC) Quốc gia phân tích: Lạm phát tổng thể tháng 7/2013 tăng 0,27% so với tháng trước chủ yếu do việc điều chỉnh giá (giá xăng dầu, tỷ giá) gây tác động đến nhóm giao thông vận tải tăng mạnh và giá hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI của tháng 7 so với tháng 6/2013 vẫn được xem là thấp hơn dư địa cho phép trong mỗi tháng cuối năm. “Với xu hướng tăng CPI như vậy, kết hợp với yếu tố giá cả hàng hóa thế giới được dự báo không có nhiều biến động từ nay đến cuối năm và sức mua trong nước vẫn còn yếu nên việc kiểm soát lạm phát theo kế hoạch đề ra trong năm nay vẫn đang có những thuận lợi”, đại diện UBGSTQ Quốc gia nói.

 

“Việc tăng giá điện sẽ có tác động đến giá thị trường nhưng dự kiến CPI cả năm sẽ vẫn đạt mức chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 7%”, đại diện TCTK dự báo.



Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN