Báo cáo trình Chính phủ mới đây của Bộ Tài chính cho biết: Trong số những đơn vị chưa CPH thì có tới hơn 100 doanh nghiệp chưa xác định giá trị doanh nghiệp; 30 doanh nghiệp mới thành lập xong Ban chỉ đạo và đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp…
Báo cáo mới đây của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội khóa 13 cũng nhận định: Đối với tái cơ cấu DNNN, tốc độ CPH chậm; đồng thời chất lượng CPH còn có nhiều vấn đề. Việc CPH ở một số doanh nghiệp thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ DNNN sang công ty cổ phần do tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân chỉ rất nhỏ; hoặc không có các nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Chính phủ, tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Ảnh: Kim Phương - TTXVN |
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, khó khăn nhất của doanh nghiệp trong quá trình CPH là việc định giá trị sở hữu đất đai, giá trị thương hiệu, mua bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, giải quyết thế nào với người lao động và chế tài còn thiếu…
Theo TS Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ doanh nghiệp nhà nước (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM), CPH là ý chí cải cách doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu chế tài buộc các DNNN phải cải cách nhanh, mạnh mẽ.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về CPH: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ, nhưng kết quả tái cơ cấu DNNN còn chậm, một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao... Một số doanh nghiệp đã CPH nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn rất lớn, chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp. |
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, đại diện một DNNN về bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho biết: “Mặc dù đã có khung pháp lý, nhưng trong quá trình thực hiện doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi xác định giá trị sở hữu đất đai. Với đất phải nộp tiền sử dụng đất thì rõ nhưng còn đất sử dụng cho mục đích thương mại, dịch vụ, văn phòng, công cộng thì chưa rõ quy định về quyền chủ sở hữu nên rất khó định giá. Phía đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp CPH còn thiếu tính chuyên nghiệp, am hiểu về lĩnh vực đất đai...”.
Đặc biệt, nền kinh tế thế giới và trong nước có quá nhiều biến động, khan hiếm nguồn tiền đầu tư, vốn ngoại chảy vào kém dồi dào hơn… cũng tác động đến tiến độ CPH. Một số doanh nghiệp bất động sản khác chia sẻ: Thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc khiến việc phát hành cổ phiếu khó thành công. Chính vì lý do này, nhiều DN đã trì hoãn chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng.
Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết: Nguyên nhân nữa là thiếu nhà đầu tư chiến lược tham gia vào tiến trình CPH. Đề cập về một trong những hạn chế của công cuộc cổ phần hóa hiện nay vẫn là không thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.
Về vấn đề này, TS Ngô Minh Hải chia sẻ: “Nhìn chung CPH mà Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối thì cổ phần hóa chỉ là câu chuyện trên giấy tờ thôi. Cổ đông chiến lược không nắm được quyền kinh doanh đồng tiền bỏ ra thì họ không dám đầu tư. Hơn nữa, CPH mà Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, cán bộ nhà nước vẫn nắm quyền lãnh đạo thì cũng chưa phát huy được hết những ưu thế của CPH”.
Bên cạnh đó, thực tế, nhà đầu tư nước ngoài thường rất quan tâm đến việc công khai minh bạch thông tin. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi minh bạch thông tin và báo cáo tài chính giúp nhà đầu tư được xem là “sức khỏe”, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, theo Báo cáo nghiên cứu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện chỉ có khoảng 8% DNNN cung cấp báo cáo tài chính trên trang chủ.
Đối với việc chậm trễ CPH DNNN hiện nay, ngay tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm đối với việc này ra sao. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm: Thủ tướng đã yêu cầu người đứng đầu DNNN không thực hiện đúng công tác CPH thì phải chịu trách nhiệm cá nhân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về việc ai chịu trách nhiệm dù còn hàng trăm doanh nghiệp không đạt tiến độ đề ra.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính cũng thừa nhận: Sở dĩ việc cổ phần hóa DNNN còn kéo dài là do quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, có tâm lý sợ trách nhiệm. Cùng với đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng ngại khi CPH có thể "lộ" ra những tồn tại gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Từ thực tế này, theo TS Ngô Minh Hải, các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung các chế tài buộc các DNNN phải đẩy nhanh tiến trình CPH hơn nữa. “Chính phủ và các bộ cũng đã yêu cầu, nếu không hoàn thành CPH sẽ kỉ luật người lãnh đạo DNNN. Song đến nay, vấn đề này chưa được luật hóa rõ ràng”, ông Hải nói.