Khi trời còn chưa sáng thì những con trâu, bò đã bước vội theo tiếng giục của chủ, những con nghé tung tăng chạy theo bên cạnh. Cứ đều đặn hàng tháng, vào các ngày 1, 6, 11,16, 21,26 âm lịch, chợ Ú lại bắt đầu phiên chợ. Chợ bắt đầu họp từ 4 giờ sáng cho đến 9 giờ sáng thì kết thúc.
Không chỉ người dân trong tỉnh mà chợ Ú còn thu hút rất đông thương lái ở các địa phương trong Nam ngoài Bắc, thậm chí những thương lái đến từ Trung Quốc đến mua để lấy sức kéo hay để làm thịt hoặc tìm những con trâu tốt để nuôi dưỡng trở thành trâu chọi. Tham gia chợ Ú, người dân có dịp được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm mua bán, chọn giống, trao đổi cách chăn nuôi, vỗ béo trâu bò, tham khảo giá cả thị trường.
Anh Nguyễn Công Trung, trú tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ: "Tại phiên hôm nay tôi mua được 40 con trâu, bò. Sau khi mua, tôi vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ cho các lò giết mổ. Tiêu chí lựa chọn là những con trâu, bò to và béo từ 80 kg đến 1 tạ tôi mới mua, nhưng hầu hết là toàn mua bò. Năm nay do dịch COVID-19 nên giá cả có đắt hơn”.
Còn anh Nguyễn Văn Châu, lái buôn có nhiều kinh nghiệm ở xóm 4, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương cho biết, số lượng trâu, bò được các thương lái chở về từ các tỉnh và một số nước lân cận như Thái, Lào, Campuchia và Myanma, sau khi tập kết tại chợ Ú, qua giao dịch sẽ được chuyển đi ra các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc.
“Khác với các năm trước, năm nay do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi nên giá cả trâu, bò có tăng hơn từ 5-10%. Bên cạnh đó, số lượng trâu, bò về ít hơn và chủ yếu là bò. Bò chiếm khoảng 3/4 số lượng trâu, bò được mua bán tại chợ”, anh Nguyễn Văn Châu cho biết.
Với mong muốn chọn con trâu để làm ruộng nên anh Nguyễn Đình Minh ở Thanh Chương lại bày tỏ: “Vì mua trâu để cày nên tôi phải chọn con to, khỏe về mới làm được ruộng. Tuy giá có đắt nhưng tôi phải mua con này mới về cày được, nếu chăm sóc tốt thì tôi vẫn có thể bán đi mà không mất giá”.
Một trâu đực loại to bán với giá 40- 85 triệu đồng, còn nghé giá 15 -25 triệu đồng/con. Trâu cái đẹp mã (hay đã có thai) giá 30 - 45 triệu đồng/con. Người mua, người bán rôm rả mặc cả, trao đổi. Những con trâu, bò ưng ý được trao tay qua chủ khác; những con khác chưa bán được, chủ lại vui vẻ dắt về vỗ béo đến phiên chợ sau lại đem ra bán.
Huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An được coi là chợ trâu bò lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ khi mà mỗi phiên chợ ở đây tiêu thụ khoảng 1.800 con các loại. Nhiều người dân ở xa đem trâu, bò đi bán chợ Ú có khi đi từ chiều, từ đêm rồi gửi ở nhà dân, sáng mai đưa ra chợ sớm cho kịp phiên chợ.
Trong chợ có đủ loại trâu, bò to, nhỏ, béo, gầy, non, già... được mua bán, trao đổi. Số trâu bò này thường được chủ nhân dắt tay, cột vào những chiếc xe hoặc những cột điện trên sân chợ. Nhiều con nghé, con me bé xíu, chưa đầy 1 tháng tuổi, đã bị tách khỏi trâu, bò mẹ để đưa đi bán, một số con chỉ giá từ 2,5 - 3 triệu đồng. Những con trâu, bò sau khi mua bán xong xuôi được chủ nhân đánh dấu hoặc viết chữ, số lên da để khẳng định sở hữu.
Số trâu, bò được các lái buôn đường xa đến mua, sau thi mua đứt bán đoạn thường được chất lên các xe ô tô để chở đi các tỉnh. Việc cho trâu, bò lên xe, nhiều lúc cũng khá vất vả, phải huy động nhiều người đến để lôi kéo, đẩy, khiêng.
Ông Nguyễn Cảnh Lâm, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, huyện Đô Lương cho biết, trước đây, chưa có chợ, trâu bò thường tập kết ở các điểm lẻ dọc đường để rao bán. Mãi đến những năm đầu thập niên 80, chợ Ú mới bắt đầu được mở, rồi trâu, bò mới được đưa vào đây để bán. Những năm qua, đời sống nhiều người dân quanh vùng chợ Ú khấm khá nhờ biết nắm bắt thị trường, mua bán trâu bò, mua trâu, bò gầy về vỗ béo...
Không chỉ các thương lái kiếm được tiền sau mỗi phiên chợ mà có rất nhiều nghề khác ăn theo và mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương như nghề xe ôm, nghề đổi tiền, nghề bán rơm, bơm nước tắm cho trâu bò và thậm chí cả việc hót phân trâu bò… Do số lượng trâu bò mỗi phiên quá nhiều, lượng chất thải từ trâu bò cũng tăng theo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống bà con sống xung quanh khu vực.
Anh Trần Trung Hiếu, xã Đại Sơn đã đầu tư hai xe ô tô trọng tải lớn chuyên chở trâu, bò đi tiêu thụ các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc cho hay, mỗi chuyến đi của anh chuyên chở 50-60 con trâu, bò với giá từ 20-60 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí, mỗi chuyến đi của anh cũng được vài chục triệu đồng cất trữ.
“Mặc dù có những vất vả, rủi ro riêng nhưng nghề lái trâu, bò mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, xây được nhà, mua sắm những thứ thiết yếu và nuôi con cái học hành”, anh Trần Trung Hiếu thổ lộ.
Tại chợ Ú, đối với trâu, bò đều được qua kiểm dịch vùng trước khi đưa ra thị trường ngoại tỉnh tiêu thụ. Năm nay, do tình hình dịch COVID-19 và dịch bệnh phức tạp trên gia súc gia cầm nên từ tháng 1 đến tháng 5/2020, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An chỉ cho phép người nội tỉnh đến giao dịch mua bán trâu, bò tại chợ Ú.
Để làm tốt công tác kiểm dịch, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành phun tiêu hộc khử trùng xung quanh khu vực chợ Ú; khi trâu bò lên xe trung chuyển ra ngoại tỉnh cũng được cán bộ thú y phun tiêu độc khử trùng và kiểm tra lâm sàng, nếu trâu, bò khỏe mạnh sẽ được bấm thẻ tai lên trâu, bò xác nhận đàn gia súc không bị nhiễm bệnh.
“Ngoài theo dõi kiểm soát tình hình sức khỏe của đàn gia súc có bị nhiễm bệnh hay không thì các giấy tờ liên quan đến việc xuất bến của trâu, bò như giấy kiểm tra lâm sàng, chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thu phí đều được kiểm tra chặt chẽ trước khi trâu, bò thương lái mới có thể vận chuyển xuất bến”, ông Đặng Văn Thông, cán bộ kiểm dịch thú y, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An cho biết thêm.
Người đến chợ để mua-bán cũng có, cũng rất đông người dân địa phương đến chỉ để vui với không khí tấp nập nơi đây. Cũng chính vì nét độc đáo này mà phiên chợ Ú cũng là nơi tìm đến của đông đảo du khách gần xa. Qua nhiều năm, chợ dần dần có sự pha trộn của nhịp sống hiện đại nhưng nét giản dị, thật thà của người dân luôn là điều hấp dẫn du khách gần xa.