Theo ông Nga, tại TP Hồ Chí Minh, nguồn cung nhà ở trung cấp và cao cấp gần như tương đương nhau nhưng tại Hà Nội, nguồn cung nhà cao cấp chiếm đến 70% trong khi nhu cầu chỉ 30% và ngược lại, nhu cầu nhà bình dân, cao cấp cao nhưng nguồn cung lại thấp.
"Trong năm 2017, các chủ đầu tư cần quan tâm nhiều hơn đến phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguồn cung cao cấp sẽ tiếp tục tăng nhưng chỉ những chủ đầu tư mạnh, có tiềm lực thì mới có thể bán được hàng", ông Nga nhận định.
Thị trường đang có dấu hiệu thừa cung bất động sản cao cấp. |
Đánh giá về thị trường BĐS trong năm qua, ông Phạm Văn Thường, Trưởng phòng Quản lý thị trường BĐS, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết: Giao dịch năm 2016 vẫn ổn định nhưng có xu hướng giảm so với 2015. Trong 11 tháng qua, Hà Nội có 14.000 giao dịch thành công, có giảm so với 2015. Nguồn cung chủ yếu ở khu vực phía Tây và rất ít dự án nhà giá rẻ. Còn TP Hồ Chí Minh bán được khoảng 23.000 căn.
Về diễn biến giá, năm 2016 không có nhiều biến động, nhưng tại một số dự án lớn hoặc sắp bàn giao thì có tăng. Tồn kho đã giảm nhiều. Tuy nhiên vẫn còn lượng hàng lớn chưa bán được.
"Một số tồn tại, hạn chế của thị trường: nguồn cung cao cấp dư thừa nhưng thiếu nhà bình dân, nhà ở xã hội. BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh ở miền Trung và miền Nam nên có thể thừa cung thời gian tới. Thông tin trên thị trường BĐS chưa đảm bảo công khai, minh bạch", ông Thường cho biết thêm.
Theo dự báo của các chuyên gia, giai đoạn này, khách mua chủ yếu để ở, cho thuê, dư địa lợi nhuận đầu tư không nhiều nên chưa có khả năng biến động lớn trên thị trường.
Hội nghị do Hội Môi giới BĐS Việt Nam tổ chức, quy tụ nhiều sàn giao dịch uy tín. Các đại biểu đã nêu lên những ý kiến nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 100.000 người hành nghề môi giới nhưng số người được cấp chứng chỉ chưa nhiều. Do đó, sắp tới các sàn giao dịch BĐS cần tạo điều kiện để nhân viên đi học nhận chứng chỉ hành nghề.