Trong bối cảnh các nền kinh tế Đông Nam Á không ngừng tăng trưởng, nhu cầu thuê văn phòng được kỳ vọng tăng khoảng 6% hàng năm từ năm 2018 đến năm 2022.
Theo một báo cáo mới công bố của Công ty nghiên cứu thị trường JLL, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tỷ lệ hấp thụ văn phòng trong 6 quý vừa qua tăng nhanh nhờ nhu cầu mạnh mẽ, đặc biệt là ở Manila, Singapore, TP Hồ Chí Minh và Jakarta.
Theo bà Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu thị trường Vốn, JLL Đông Nam Á: "Trong giai đoạn 2018 - 2022, chúng tôi dự báo tỷ lệ hấp thụ văn phòng ở Đông Nam Á sẽ tăng 6% mỗi năm, trong bối cảnh GDP tăng 5% hàng năm".
Nhận định về thị trường Việt Nam, báo cáo cho biết: Nhu cầu văn phòng cho thuê ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ tăng cao.
Tính đến hết quý 2 năm 2018, tổng diện tích văn phòng tại TP Hồ Chí Minh tăng lên 1.945.000 m2 với tỷ lệ hấp thụ của văn phòng hạng A và hạng B ở mức cao trên 95%. Giá thuê tiếp tục tăng đều bởi nguồn cầu ổn định và chất lượng xây dựng tốt hơn của các tòa nhà. Một lượng lớn các tòa nhà hạng B chất lượng cao dự kiến hoàn thành vào năm 2020 có thể sẽ gây áp lực lên phân khúc hạng A, đặc biệt là các dự án lâu đời đang dần xuống cấp.
Tại Hà Nội, nhu cầu văn phòng hạng A & hạng B trong năm 2018 - 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng do nền kinh tế khả quan. Tỷ lệ lấp đầy cao được ghi nhận ở cả phân khúc văn phòng hạng A và hạng B, việc thành lập công ty mới tiếp tục là động lực chính của nhu cầu văn phòng.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại Việt Nam của JLL nhận định: “Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử và không gian làm việc linh hoạt phát triển nhanh nhất trong khu vực. Xu hướng này sẽ có tác động tích cực đến thị trường văn phòng bởi lẽ các công ty trong và ngoài nước sẽ tìm kiếm vị trí phù hợp để đặt văn phòng tại một thị trường có nền kinh tế đầy hứa hẹn”.
Các thị trường lớn khác trong khu vực Đông Nam Á cũng ghi nhận những dấu hiệu khả quan. Chẳng hạn như tại Singapore, giá thuê văn phòng bắt đầu phục hồi từ năm ngoái và được dự báo tăng 20 - 25% trong giai đoạn 2018 - 2020, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Trong khi đó, năm 2018 được dự báo sẽ là năm xác lập kỷ lục mới về nguồn cung tại Jakarta. Bất ngờ lớn nhất trong quý 2 năm 2018 là sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Manila, nơi tỷ lệ hấp thụ ròng tăng thêm 222.000 m2.