Mặc dù tỉnh Yên Bái luôn quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà và có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao đời sống của người dân; trong đó có ngư dân hồ Thác Bà nhưng tình trạng nhiều ngư dân không chấp hành tốt luật pháp cũng như quy định của nhà nước về đánh bắt cá bằng các hình thức hủy diệt vẫn xảy ra. Không chỉ thế, đánh bắt cá bằng xung điện còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của ngư dân. Bài học nhãn tiền đã có, rất nhiều vụ người dân đi đánh bắt cá bằng xung điện đã bị chết do điện giật...
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã đến bến cảng Km11, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. Gọi là bến cảng, nhưng thực chất đây là một ngách hồ mà các ngư dân tập trung thuyền bè tại đây để đi đánh bắt cá; trong đó, chủ yếu là đánh bắt bằng xung điện. Cũng tại đây, gia đình chị Cù Thị Hiền còn làm một "ngôi nhà nổi" để ngày đêm trông giữ thuyền cho các ngư dân. Chị Hiền cho biết, gia đình chị nhận trông coi thường xuyên hơn 40 chiếc thuyền với giá 150.000 đồng/thuyền/tháng.
Ngoài ra, cũng có một số tàu thuyền đến gửi trông một vài ngày nhưng số lượng không nhiều. Chị Hiền còn cho biết thêm, tình hình trật tự trị an ở bến này tốt lắm, các ngư dân sau khi đi đánh bắt cá về chỉ việc neo thuyền lại để gia đình chị trông coi, chẳng phải lo lắng gì.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Điển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, nhiều năm nay huyện Yên Bình cùng các ngành chức năng tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhưng tình trạng đánh bắt các bằng các hình thức hủy diệt cá vẫn còn diễn ra bởi, đây là nguồn thu nhập chính của ngư dân nên họ vẫn lén lút để đánh bắt các bằng các hình thức hủy diệt các loài cá, điển hình là đánh bắt cá bằng xung điện (còn gọi là kích điện).
Còn ông Đinh Quang Tuấn, Đội trưởng đội Kiểm ngư, Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Yên Bình cho biết, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất khó khăn do hồ rộng trên dưới 20.000 ha, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, chưa kể eo, ngách, bán đảo thuộc mấy chục xã thuộc hai huyện Yên Bình và Lục Yên, trong khi đó đội Kiểm ngư chỉ có 4 người, phương tiện cũ kỹ, lạc hậu, tốc độ chậm, kinh phí mua sắm mới, sửa chữa nâng cấp rất hạn hẹp và không có chức năng xử lý các vi phạm của ngư dân.
Cũng theo ông Tuấn, trong các ngày từ 11 - 16/6 vừa qua, Công an huyện Yên Bình và Đội Kiểm ngư đã phối hợp thực hiện một loạt chuyến tuần tra trên hồ, đi tới nhiều xã như: Tân Hương, Mông Sơn… nhưng kết quả mới phát hiện được 4 chiếc vó bè và hủy 3 lưới mắt nhỏ và không thấy tình trạng đánh bắt bằng xung điện.
Trong khi đó, lúc chúng tôi có mặt tại một số bến đỗ của các ngư dân thì lại dễ dàng phát hiện hàng loạt các tàu, thuyền với các công cụ đánh bắt cá bằng xung điện để ngay trong lòng thuyền, thậm chí còn để ở ngay trên bờ hồ cạnh lối đi lại để xuống thuyền.
Thời gian qua, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản; trong đó có Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái ngày 10 tháng 1 năm 2011 về việc ban hành quy chế quản lý khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Cùng với đó, UBND tỉnh Yên Bái đã giao Chi cục Thủy sản của tỉnh có trách nhiệm tổ chức thả bổ sung cá giống xuống hồ Thác Bà và những vùng nước lớn khác hàng năm để tái tạo nguồn lợi thủy sản… Tỉnh Yên Bái còn khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án về nghiên cứu điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ, phát triển nguồn lợi, đặc biệt ưu tiên các chương trình dự án giúp đỡ ngư dân nghèo phát triển nghề nuôi thủy sản.
Theo Nghị định số 42/2019/NÐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chính thức có hiệu lực từ ngày 5/7/2019 đã quy định rõ mức phạt hành chính thấp nhất từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, cao nhất là phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng…