Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cao Lộc xuống tận xã Yên Trạch hướng dẫn làm thủ tục cho người người dân vay vốn. Ảnh Thái Thuần/TTXVN |
Theo quy định tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN (Quyết định 1627), chủ thể được vay vốn bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự.
Khác với quy định tại Quyết định 1627, trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự 2015 về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Như vậy, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Thông tư 39 tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân... Đồng thời, Thông tư 39 cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.
Về điều kiện vay vốn, so với Quyết định 1627, Thông tư 39 về cơ bản kế thừa quy định về điều kiện vay và có hai thay đổi sau đây: bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay; bổ sung đối tượng cá nhân được vay vốn là cá nhân từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Theo Quyết định 1627, mục đích vay vốn là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư và đời sống. Thông tư 39/2016/TT-NHNN không giới hạn mục đích vay vốn như quy chế 1627 cũ mà chia nhu cầu vay vốn thành 2 nhóm: cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác.
Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng bổ sung các quy định áp dụng riêng đối với hoạt động cho vay phục vụ hoạt động nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác phù hợp với đặc điểm của từng mảng cho vay này (như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ).
Kế thừa quy định về loại cho vay tại Quyết định 1627, Thông tư 39 quy định tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay theo 3 loại cho vay sau: cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 1 năm; cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 1 năm và tối đa 5 năm; cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 năm. Như vậy, so với quy định tại Quyết định 1627, Thông tư 39 đã thay đổi căn cứ tính thời hạn của khoản vay từ tháng sang năm.
Thông tư 39 bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả. Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Thông tư 39 cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Nợ gốc quá hạn gồm: nợ gốc đến hạn không trả được và nợ gốc chưa đến hạn bị chuyển sang đến hạn theo thỏa thuận do vi phạm hợp đồng và khách hàng không trả được.