Những động lực giúp chứng khoán thêm đà khởi sắc

Thị trường chứng khoán đang diễn biến sôi động ngay từ đầu năm 2024. Các nhà đầu tư kỳ vọng vào nền tảng lãi suất thấp, sự phục hồi của các doanh nghiệp sau những khó khăn của kinh doanh, dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt kỳ vọng nâng hạng.

Chú thích ảnh
Toạ đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 5/3.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng 12%

Chia sẻ tại Toạ đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 5/3, bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích Cổ phiếu - Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư - Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết: Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng khá là 12%, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) được củng cố sau những biến động từ năm 2023 với nhiều khó khăn nội tại, những yếu tố vĩ mô không thuận lợi (Cục Dự trữ Liên bang (FED) liên tục tăng lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng.

“Sau đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều những chính sách hỗ trợ thị trường TPDN và hỗ trợ thị trường BĐS, qua đó củng cố niềm tin nhà đầu tư. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp hạ lãi suất điều hành và dòng tiền đã chảy vào chứng khoán tích cưc hơn từ quý III/2023. Sau đó, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cũng phục hồi. Theo SSI Research, tính đến quý III/2023, hầu hết lợi nhuận các ngành, các doanh nghiệp đã tạo đáy và trên đà phục hồi. Điều này củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư”, bà Phạm Huyền Trang cho biết.

Chú thích ảnh
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS, sự phục hồi của TTCK nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 đến từ 2 yếu tố: Khởi đầu năm 2023, nhiều người lo ngại kinh tế thế giới rơi vào suy thoái và điều này đã không xảy ra và rủi ro TTCK quốc tế đã giảm bớt; giai đoạn siết chặt tiền tệ rất chặt tay của nửa cuối năm 2023, trên TTCK xuất hiện vụ việc hệ quả Silicon Valey phá sản, xu hướng tăng trưởng này là động lực kéo TTCK tăng trưởng trở lại. 

“Tại thị trường trong nước, tác động quan trọng là việc NHNN có chính sách nới lỏng sớm so với ngân hàng Trung ương (NHTW) toàn cầu. Động thái này diễn ra từ tháng 4/2023, qua 4 lần hạ lãi suất đã có dịch chuyển vốn đầu tư lớn, dòng tiền dịch chuyển phân bổ vào những kênh tài sản có giá trị tăng, qua đó TTCK đã có giải đoạn tăng trưởng từ tháng 4/2023 đến nửa cuối tháng 9/2023”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết.

Theo Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS, lãi suất đang trong xu hướng thấp, đặc biệt tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh tác động đến phục hồi kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. 

“Cuối cùng động lực nữa là quyết tâm nâng hạng của Chính phủ được thể hiện quyết liệt trong nửa cuối năm 2023 đến năm 2024. Từ chỉ đạo của Chính phủ, sự quyết liệt của các Bộ, ngành, cho nhà đầu tư thêm niềm tin vào TTCK và khả năng nâng hạng. Câu chuyện nâng hạng diễn ra tại nhiều quốc gia, khi nâng hạng thành công, chỉ số chứng khoán tăng 30 - 50% trong 2 năm kể từ khi nâng hạng. Niềm tin quay trở lại, cộng với kỳ vọng Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) tiếp tục tác động đến TTCK”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng trưởng lần lượt khoảng 6% và hơn 8% so với quý 3 và 4 năm 2023. Không chỉ vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có mức tăng trưởng hơn %.  “NHNN đã có những động thái rất tích cực ngay từ đầu năm như là cung cấp định mức tín dụng 15% ngay từ đầu năm cho các ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế năm 2024, từ đó tác động tích cực lên TTCK năm nay”, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE cho biết.

Sắp có Hội nghị gỡ "vướng" hoạt động IPO gắn với niêm yết 

Chú thích ảnh
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Chia sẻ tại Toạ đàm, bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết: Ủy ban đang cùng Sở Giao dịch Chứng khoán xây dựng quy chế phối hợp để giúp các khâu sau khi doanh nghiệp hoàn tất chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), niêm yết/đăng ký giao dịch được rút ngắn thời gian và quy về một đầu mối báo cáo.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuối tháng 2/2024, một trong giải pháp trọng tâm trong năm 2024 cũng chính là là tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường, khuyến khích các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và gắn chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) với niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán; nâng cao năng lực và an toàn tài chính của hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đồng thời đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Theo bà Phạm Thị Thùy Linh, dù năm 2023 đối diện nhiều khó khăn hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp qua TTCK tăng 34% so với năm trước. Kênh huy động vốn qua TTCK là kênh giúp doanh nghiệp huy động nguồn vốn dài hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, danh tiếng của doanh nghiệp cũng được tăng cường, qua đó thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Để hỗ trợ trong huy động vốn, UBCKNN đang rà soát Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có tập trung vào vấn đề quy định về hoạt động chào bán, niêm yết, đăng ký giao dịch.

“Trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy rằng hoạt động IPO gắn với niêm yết/ đăng ký giao dịch có những vướng mắc khiến thời gian bị kéo dài. Sau khi doanh nghiệp thực hiện IPO, Sở giao dịch mới thực hiện các khâu kiểm tra nội dung để đưa lên niêm yết/ đăng ký giao dịch. UBCKNN đang cùng Sở giao dịch chứng khoán  đang cùng xây dựng quy chế để phối hợp giúp các khâu sau khi IPO, niêm yết/ được rút ngắn thời gian, quy về một đầu mối xem xét đối với một vấn đề”, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán cho hay.

Trong quá trình xem xét hồ sơ chào bán IPO, đại diện UBCKNNN cho biết, đôi khi tổ chức phát hành và đơn vị tư vấn có những điểm hiểu chưa trùng khớp nhau. Trong tháng 3/2024, UBCKNN sẽ tổ chức Hội nghị để mời các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn và tổ chức tư vấn để chia sẻ về các quy định cũng như trao đổi vướng mắc từ phía doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Thùy Linh nhấn mạnh: "Doanh nghiệp khi thực hiện IPO với hồ sơ chuẩn chỉ để Sở giao dịch chứng khoán có thể xem xét hồ sơ nhanh nhất". Về Hội nghị gỡ "vướng" hoạt động IPO gắn với niêm yết ngay tháng 3 này, bà Phạm Thị Thùy Linh kỳ vọng: “Đây sẽ là Hội nghị có thể hỗ trợ nhanh nhất đối với các tổ chức có nhu cầu huy động vốn  trong năm 2024 – 2025. Dự kiến, Hội nghị có quy mô 500 - 600 đại biểu từ các đơn vị. Với năm 2024 - 2025 được đánh giá là năm bản lề, nhu cầu huy động vốn là có, Hội nghị sẽ là nơi chia sẻ vướng mắc để làm sao để rút ngắn lại quy trình này".

Minh Phương/Báo Tin tức
Doanh nghiệp chứng khoán nối đà tăng trưởng
Doanh nghiệp chứng khoán nối đà tăng trưởng

Năm nay, các công ty chứng khoán được dự báo sẽ nối tiếp đà phục hồi tăng trưởng, trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp thu hút dòng tiền cá nhân trong nước vào thị trường chứng khoán. Cùng đó, là dòng tiền khối ngoại có thể đảo chiều mua ròng trong kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và triển vọng về nâng hạng thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN