Cảng Cái Lân bốc dỡ những chuyến hàng đầu tiên năm 2017. Ảnh: Hoàng Phương/TTXVN |
|
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân:
Nền kinh tế đang đi đúng hướng Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 được thông qua với chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn nợ công... Cùng đó là hàng loạt các Nghị quyết khác như: Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung dài hạn, Cơ cấu lại nền kinh tế... Tất cả đều hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, tăng năng suất tổng hợp, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển dịch theo chiều sâu.
Chúng ta đã xây dựng rất nhiều các giải pháp để có chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Điển hình như Nghị quyết 35/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Điều này khuyến khích sự phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh trong nền kinh tế bằng các chính sách cụ thể đó.
Trong phân bổ nguồn lực cũng đang khuyến khích đầu tư xã hội từ khu vực kinh tế tư nhân bởi nó có yếu tố năng suất rất cao nhằm thúc đẩy phát triển của nền kinh tế 2017.
Có thể thấy, 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam là khoảng 6,6%. Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017 là rất khả quan. Chưa kể đến, tổng vốn đầu tư xã hội, khu vực đầu tư tư nhân đang chiếm tỷ trọng cao dần lên so với đầu tư của khu vực nhà nước đang giảm dần. Như vậy, chúng ta đã huy động được các nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, đảm bảo an toàn nợ công, các chính sách để khuyến khích thu hút vốn, sử dụng vốn có hiệu quả từ khu vực công cũng là yếu tố quyết định. Bởi doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang sở hữu nguồn tài sản nhà nước lên tới trên 1,3 triệu tỷ đồng. Như vậy, vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn là nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời, góp phần đảm bảo nợ công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế đang đi đúng hướng với một số mũi nhọn chủ lực như: du lịch với dư địa còn nhiều; nông nghiệp tập trung vào công nghệ cao... Khi đồng bộ các giải pháp sẽ tạo tín hiệu lạc quan hơn về kinh tế 2017.
Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
Linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ Kinh tế năm 2017 đang trên đà phát triển ổn định và sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn so với năm 2016. Môi trường kinh doanh thuận lợi khuyến khích sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng phù hợp...
Thế nhưng, năm 2017 Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lực đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng do Mỹ khuyến khích kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp quay trở về đầu tư trong nước. Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chiếm phần quan trọng. Do độ mở của nền kinh tế rất lớn nên cũng dễ chịu tác động của thị trường thế giới.
Để tiếp tục ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải dựa vào nội lực. Chính phủ cần tiếp tục kiên định chiến lược tăng trưởng dựa vào phát huy, khai thác năng lực nội tại; nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế; không chạy theo mục tiêu tốc độ và quy mô tăng trưởng… Cùng đó là cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo đến các tỉnh thành phố, các ban ngành Trung ương đến địa phương mà đặc biệt là bộ máy và cán bộ cơ sở trực tiếp tiếp xúc, tiếp nhận các ý kiến, nguyện vọng và yêu cầu đòi hỏi của doanh nghiệp.
Muốn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định; đẩy mạnh giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp; tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn tín dụng đổ vào các thương vụ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước kéo theo tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi nợ xấu hiện tại chưa xử lý dứt điểm có thể tiếp tục đẩy nợ xấu tăng lên.
Nền tảng tạo ra tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế trong năm 2017 vẫn là chú trọng duy trì tốt chính sách tiền tệ và linh hoạt trong điều hành.
Ông Trần Anh Tuấn – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh:
Mở thêm những cánh cửa mới cho thị trường
Điều hành kinh tế của Chính phủ rất quyết liệt, kế hoạch phát triển kinh tế 2017 và những năm tiếp theo đều có kịch bản và giải pháp khả thi để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Thuận lợi về bên ngoài là Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, có sự hợp tác rất chặt chẽ, gần gũi, thân thiện với các nước thông qua các hiệp định song phương, đa phương thế hệ mới với châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả một số nước trong khu vực ASEAN cũng như châu Á Thái Bình Dương. Điều này tạo niềm tin sẽ mở ra một cánh cửa mới cho thị trường, cho nền sản xuất.
Tuy nhiên, chúng ta cũng còn thách thức lớn cả trong và ngoài bởi nền sản xuất của Việt Nam hiện mới chỉ là lắp ráp, xuất thô, bán thô nhiều chứ chưa đi sâu vào chế biến, tạo ra giá trị gia tăng cao; chưa chiếm lĩnh được các phần việc đem lại giá trị gia tăng cao từ khâu nguyên liệu đầu vào cho tới phân phối. Đây là thách thức nội tại bởi cơ cấu kinh tế còn lỏng, chưa vững chắc.
Kinh tế năm 2017 thuận lợi cũng có mà khó khăn cũng không ít và sẽ tác động đến phát triển kinh tế của Việt Nam , ảnh hưởng đến mục tiêu đã đặt ra. Việt Nam phấn đấu tăng tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập bình quân đầu người… Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này thì phải chấp nhận đối đầu với thách thức.
Do đó, việc quản lý điều hành phải linh hoạt, khéo léo hơn nữa để tạo chuyển biến và cạnh tranh tốt hơn. Đặc biệt, xây dựng môi trường thể chế tốt, tạo điều kiện vừa thu hút, vừa tăng cường nội lực để nâng tính sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thu hút các sản phẩm mang tính cạnh tranh sẽ giúp tăng nội lực trong nước; tạo liên kết, cùng nhau hợp lực phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội:
Phải lường trước những bất ổn Năm 2017 vẫn còn nhiều khó khăn vì vẫn có nhiều yếu tố bất ổn mà đến thời điểm này chúng ta chưa lường được.
Đơn cử như việc ta có khả năng chịu tác động về chính sách của Mỹ bởi Chính phủ nước này đang có xu thế thiên về chính sách bảo hộ, tạo ra công ăn việc làm cho chính họ. Cùng với một số ngành được họ bảo hộ thì cũng có một số lĩnh vực họ buộc phải mở cửa vì nước Mỹ không có khả năng đáp ứng. Những ngành Việt Nam đang có truyền thống và ưu thế như dệt may, thủy hải sản và một số các mặt hàng có tính chất đặc thù của vùng nhiệt đới thì chúng ta đang có thế mạnh và hy vọng không bị các chính sách kinh tế mới của Mỹ tác động. Tuy nhiên, thêm một yếu tố nữa mà Việt Nam chịu tác động từ bên ngoài, đó là nếu giá dầu nếu vẫn ở mức 45 – 50 USD/thùng thì tình hình năm 2017 tiếp tục gặp khó khăn.
Quay trở lại với các yếu tố trong nước, hiện Việt Nam vẫn đang “hiếm” ngành nghề có chứa hàm lượng công nghệ cao và mới chỉ có ngành nghề xuất phát từ lợi thế địa lý. Ngoài sản phẩm khai thác từ lợi thế về môi trường thuận lợi, khí hậu vùng nhiệt đới như bưởi, thanh long… thì tất cả các thứ khác chúng ta không chế biến được.
Thêm vào đó là sự chuyển đổi của các doanh nghiệp Việt cho phù hợp với sự thay đổi của thị trường kinh doanh vẫn chậm chạp. Việt Nam chưa có nhiều doanh nhân thực sự là của nền kinh tế thị trường, vẫn chỉ “phảng phất” bóng dáng doanh nhân có nền kinh tế thị trường. Còn lại, vẫn dựa vào chủ nghĩa xã hội, cứ khó là lại kêu ngay lên Chính phủ đòi hỗ trợ, giúp đỡ…
Có những Đại sứ ở những nước G7, sau khi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam đã xin ở lại để lập doanh nghiệp bởi họ nhìn thấy cơ hội kinh doanh rất tốt mà nhiều nơi không có được. Vậy thì, tại sao doanh nghiệp trong nước lại hay kêu ca, phàn nàn. Câu trả lời chính là bởi phần đông doanh nghiệp Việt không làm theo nguyên tắc của kinh tế thị trường. Tức là, họ cứ nghĩ ra đăng ký doanh nghiệp ở Sở Kế hoạch và Đầu tư là xong; kinh doanh nghề gì mà gặp khó khăn là có “đỡ đầu”.
Bài học ở các nước châu Âu cho thấy, khi muốn lập doanh nghiệp, kinh doanh cái gì thì bao giờ họ cũng thuê tư vấn để nghiên cứu tác động đánh giá từ tâm lý đến môi trường… Còn tại Việt Nam , những yếu tố này chưa được làm kỹ lưỡng để rồi khi gặp trở ngại lại đổ tại ai đấy gây khó khăn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi, tự nhận thức và lường trước được khó khăn để đối phó, tránh thụ động. Doanh nghiệp – trụ cột của nền kinh tế có phát triển ổn định thì mới đóng góp chung vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.