Những giải pháp tăng trưởng xuất khẩu năm 2013

Năm 2012, xuất khẩu (XK) là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Tuy nhiên, năm 2013 việc duy trì đà tăng trưởng XK cao là không dễ dàng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có thể sẽ gặp khó khăn và nhiều thách thức.

 

May hàng xuất khẩu tại Xí nghiệp may xuất khẩu Hà Quảng (Tổng công ty May 10) tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

 

Bởi thế, theo các chuyên gia thương mại, năm 2013, dù chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng XK ở mức 10%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,3% của năm 2012 nhưng cũng là thách thức rất lớn.

 

Mục tiêu thấp hơn nhưng lo ngại cao hơn


Bộ Công Thương nhận định, hoạt động XK của Việt Nam trong năm 2013 có thể sẽ gặp khó khăn và thách thức hơn năm 2012 do nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường. Nợ công cao và thâm hụt ngân sách ở châu Âu chưa được giải quyết triệt để, vừa tiềm ẩn rủi ro tác động xấu đến sự phát triển khu vực và thế giới. Tuy nhiên, không chỉ gặp khó khăn về thị trường mà bản thân nhiều ngành hàng XK cũng khó tăng trưởng cả về lượng và chất.

 

Nâng cao giá trị gia tăng

 

Năm 2013, với tình hình thị trường XK khó khăn, khả năng tăng trưởng về lượng của nhiều nhóm hàng XK chủ lực là khá khó khăn. Chẳng hạn, nhóm hàng khoáng sản là nhóm hàng có giá trị XK cao nhưng lại bị giới hạn nguồn cung. Hiện nay, XK của nhóm hàng khoáng sản đang giảm dần qua từng năm cùng với việc Nhà nước chuyển hướng mục tiêu là giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản. Vì thế, nhóm hàng khoáng sản chỉ dự kiến đạt kim ngạch 12,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 9,7% (giảm 0,6%) trong tổng kim ngạch XK chung của cả nước.


Theo các chuyên gia kinh tế, cơ cấu XK của Việt Nam trong thời gian qua đã có sự chuyển đổi tích cực, như tăng tỷ trọng hàng XK chế biến, giảm xuất khẩu hàng thô. Tuy nhiên, XK tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững do quy mô XK còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt hàng XK chủ yếu do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao. Việt Nam mới chỉ tận dụng được lợi thế so sánh sẵn có để phát triển XK mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh để phát triển những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn. Các mặt hàng XK có giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự tham gia chuỗi sản xuất và lưu thông sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực và thế giới.


Do đó, theo Bộ Công Thương, cần tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, đối với nhóm hàng nông, thủy sản, đây là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp. Trong thời gian tới, các đơn vị sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị và kim ngạch XK nông sản; chuyển dịch cơ cấu hàng XK hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển XK sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm sinh thái có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh. Đối với nhóm hàng này dự kiến đạt kim ngạch năm 2013 sẽ khoảng 21,8 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 17,3% (tỷ trọng giảm 1% so với năm 2012).


Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu. Mục tiêu là phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao hiệu quả gia công XK, từng bước tạo tiền đề chuyển sang XK trực tiếp, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, không ngừng ứng dụng các thiết bị khoa học mới, hiện đại hóa để từng bước nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, XK nhóm hàng này trong năm 2013 sẽ khó giữ được mức tăng trưởng cao như năm 2012 do một số mặt hàng chủ lực như điện tử, điện thoại di động (đóng góp phần lớn mức tăng trưởng trong năm 2012) đã có mức tăng cao trong 2 năm vừa qua, trong khi đó quy mô sản xuất chưa được mở rộng. Dự kiến kim ngạch XK của nhóm hàng này đạt 83 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 66% (tỷ trọng tăng 1,5%).

 

Tích cực mở rộng thị trường


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, để đạt được mục tiêu XK năm 2013, Bộ Công Thương đã đề ra giải pháp là sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng XK chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh, đồng thời có các giải pháp linh hoạt nhằm tranh thủ cơ hội tăng XK sang các thị trường tiềm năng, thị trường các nước có chung đường biên giới. Đồng thời, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng XK trọng điểm.


Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ cập nhật những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu, nhất là việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA) để mở rộng thị trường XK. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc cơ chế, chính sách kiểm soát chất lượng hàng XK; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu.


T.Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN