Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt cho phép khai
thác trắng gần 26 ha rừng đước, ở ấp 1, xã Thạnh Hải, thuộc Khu bảo tồn thiên
nhiên đất ngập nước huyện Thạnh Phú, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh
Bến Tre đã giao “trắng” toàn bộ dự án này cho doanh nghiệp tư nhân Tuấn An mà
không đưa ra đấu giá thi công, thu mua sản phẩm. Việc làm này đã làm thất thoát
của Nhà nước số tiền hàng tỉ đồng.
Vụ việc bắt đầu vào ngày 27/4, khi Ban Quản
lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre có tờ trình xin ý kiến Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về việc khai thác trắng 25,8 ha rừng đước, thuộc Phân
khu phục hồi sinh thái 2 và Phân khu hành chính dịch vụ, Khu bảo tồn thiên
nhiên đất ngập nước huyện Thạnh Phú.
Lý do mà Ban Quản lý đưa ra là rừng tại hai khu
vực trên sinh trưởng kém, tỉ lệ cây có hiện tượng chết dần và bị sâu đục thân
nhiều.
Căn cứ vào tờ trình này, ngày 18/5, Sở
NN&PTNT có tờ trình và được UBND tỉnh phê duyệt, nêu rõ: Yêu cầu Sở
NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành vệ sinh rừng theo đúng quy
định sau khi tiến hành khai thác xong, đồng thời trồng mới lại toàn bộ trong
mùa vụ năm 2012.
Biên bản xét duyệt và dự toán do Sở NN&PTNT
tiến hành vào ngày 12/6 dự toán số gỗ, củi khai thác được hơn 3.000 ster, trị
giá gần 1,6 tỉ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, số tiền nộp vào ngân sách dự
kiến chỉ là 774.6 triệu đồng.
Ngay ngày hôm sau (13/6),
Sở NN&PTNT chỉ định đơn vị thi công và thu mua sản phẩm, thay vì đưa ra đấu
thầu theo quy định của Nhà nước.
Theo ông Võ Văn Ngàn, Trưởng Ban Quản lý, việc
chỉ định đơn vị thi công và thu mua sản phẩm nhằm đảm bảo tiến độ, vì UBND tỉnh
yêu cầu phải hoàn thành việc trồng mới rừng trong mùa vụ 2012, nên Ban Quản lý
xác định việc khai thác, thu dọn phải hoàn thành trong tháng 9/2012.
Trong ba đơn vị xin đăng kí thi công chỉ có
DNTN Tuấn An là đủ các điều kiện về cơ giới, nhân lực, đối tác tiêu thụ đủ để
đáp ứng yêu cầu nêu trên. Chính vì vậy, Ban Quản lý đã chọn DNTN Tuấn An làm
đơn vị khai thác và thu mua sản phẩm. Thêm nữa, Ban Quản lý cũng không biết có
quy định phải đưa ra đấu giá việc thi công lẫn thu mua.
Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của
bà Nguyễn Thị Phượng (SN 1967, ngụ ấp 2, xã Thạnh Hải), chủ DNTN Cường Kha và
là một đơn vị tham gia vào quá trình đăng kí thi công: Ban Quản lý rừng phòng
hộ đã cố tình làm trái nhiều quy định và gây thất thoát lớn cho Nhà nước. Cụ
thể, Ban Quản lý không tiến hành việc đấu thầu mà chỉ định thầu cho DNTN Tuấn
An là đơn vị thi công và thu mua. Việc chỉ định này có nhiều điều khuất tất.
Theo kinh nghiệm khai thác rừng trồng nhiều
năm, bà Phượng nhận định sản lượng gỗ khai thác được từ 25,8 ha rừng đước này
phải trên 5.500 ster (cao gấp 1,5 lần so với dự toán của Ban quản lý). Ban quản
lý cũng áp mức giá rất thấp (cao nhất là 550.000 đồng/ster) trong khi giá thực
tế trên dưới 1 triệu đồng/ster.
Như vậy, số tiền Nhà nước bị thất thoát khoảng
3 tỉ đồng. Thêm nữa, việc khai thác, nghiệm thu thiếu minh bạch dẫn tới số
lượng gỗ được đưa vào sổ sách thấp hơn nhiều so với số lượng thực tế đưa ra
khỏi rừng...
Trước những tố cáo
này, ngày 8/10/2012, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thanh tra,
làm rõ những sai phạm trong việc khai thác trắng 25,8 ha rừng đước tại Khu bảo
tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú, Sở NN&PTNT đã có thông báo yêu cầu
đưa ra bán đấu giá khoảng 1.700 ster gỗ, củi còn lại.
Kết quả phiên đấu giá được tổ chức vào ngày
13/10, DNTN Tuấn An và DNTN Thanh Bình đã trúng thầu mua toàn bộ số gỗ, củi còn
lại với hai mức giá là 1.270.000 đồng/ster và 922/000 đồng/ster.
Trước đó, DNTN Tuấn An và Ban Quản lý rừng đã
giao dịch khoảng 2.000 ster gỗ, củi cùng chủng loại như trên với mức giá cao
nhất chỉ 550.000 đồng/ster.
Sở NN&PTNT tỉnh
Bến Tre cũng chỉ đạo Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra, xác định rõ những sai
phạm của các tổ chức, cá nhân và đề xuất hướng xử lý trước ngày 31/10/2012.
Hưng Thịnh