Một trong những mô hình được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về hiệu quả hoạt động cũng như sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp là mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp” của tỉnh Bắc Ninh.
Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh, toàn tỉnh có tới % doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, nhưng mừng thay chỉ có 43,8% doanh nghiệp phải giải quyết những khó khăn tại những cơ quan, đơn vị.
Xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp không nắm rõ quy trình giải quyết những vướng mắc, mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” ra đời với tiêu chí “năng lực chuyên môn, lắng nghe, thấm cảm và tận tâm” nhằm tạo nên không gian khác biệt cũng như đưa ra các giải pháp trợ giúp doanh nghiệp.
Ông chia sẻ, với nhiều cách thức trực tiếp và gián tiếp, tổ công tác “Bác sĩ doanh nghiệp” đã ghi nhận những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp; tiếp cận lãnh đạo các sở, ban, ngành và phối hợp với họ tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, chính sách đất đai, thuế… , thậm chí còn hỗ trợ, tư vấn những giải pháp quản trị doanh nghiệp.
Quang cảnh hội thảo "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và kinh nghiệm của Nhật Bản". Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Qua tìm hiểu, biết được ban đầu đối tượng trợ giúp chỉ là các thành viên thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Ninh. Sau quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tin tưởng và "cầu viện" tới sự hỗ trợ của “Bác sỹ doanh nghiệp”. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn cũng rất thích mô hình này bởi tiếp cận dễ dàng; chi phí để “sửa chữa” những khó khăn, vướng mắc rất thấp, nhiều trường hợp còn không mất phí.
Ông Bắc cho biết thêm, những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải thường không giống nhau hay nói khác đi “mỗi cây - mỗi hoa, mỗi nhà - mỗi cảnh”. Điều đáng nói là mô hình này không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn là "bác sỹ" của các cơ quan Nhà nước. Cụ thể như đã phát hiện ra những lỗi sai trong xử lý thủ tục của cơ quan Nhà nước và cùng họ tìm giải pháp khắc phục để giúp đỡ doanh nghiệp. Cũng theo ông Bắc, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay thì việc nhân rộng mô hình này là rất cần thiết nhằm hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.
Một mô hình hỗ trợ doanh nghiệp khác cũng được đánh giá cao và là niềm cảm hứng để nhiều địa phương học tập, làm theo. Đó là mô hình “Cà phê doanh nhân” của tỉnh Tuyên Quang. Ông Nguyễn Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, ý tưởng và sáng kiến tổ chức Cà phê doanh nhân có từ năm 2014 và sau đó được triển khai rộng khắp trong tỉnh. Đây là mô hình mang lại nhiều lợi ích và là không gian, diễn đàn mở để doanh nghiệp có thể trao đổi, tìm hiểu cách thức tháo gỡ khó khăn.
Ban đầu, Cà phê doanh nhân của tỉnh Tuyên Quang được tổ chức hàng ngày. Sau đó được xây dựng theo các chủ đề, theo tuần, theo tháng và theo quý với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các doanh nhân và đại điện các sở, ngành, địa phương. Mô hình này mang lại nhiều ý nghĩa, giúp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp với lãnh đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương.
Đây cũng là “cơ chế mềm” giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, sự chung tay của doanh nghiệp và lãnh đạo các cơ quan quản lý để tìm ra hướng phát triển cho địa phương. Sự lan tỏa của Cà phê Doanh nhân đã làm thay đổi tư duy công chức - viên chức, từ tư duy “cưỡng bức” doanh nghiệp sang tự nguyện giúp đỡ và từ tư duy “hành là chính” sang phục vụ doanh nghiệp, ông Thực nhấn mạnh.
Với cách làm khác, Đà Nẵng (Quán quân bảng xếp hạng PCI 2016) cũng có sáng kiến cải cách hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời giúp nâng cao vị thế, sức hút của thành phố này đối với các nhà đầu tư.
Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và người dân đều tích cực hưởng ứng phong trào chấm điểm “Nụ cười công chức”. Phong trào này nhằm lấy ý kiến của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về thái độ, tác phong của công chức để bầu chọn và tôn vinh những gương mặt tiêu biểu.
Đây là phương pháp giúp cán bộ, công chức thay đổi tư duy và hiểu rõ hơn những việc mình làm sẽ được doanh nghiệp, người dân giám sát, theo dõi, chấm điểm. Cùng với sự thay đổi về tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức sẽ là thời gian phục vụ được rút ngắn, sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân được nâng lên... Công chức cười với dân thể hiện hình ảnh một chính quyền thân thiện, cầu thị và đồng hành; sẵn sàng hợp tác và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, ông Trần Văn Miên khẳng định.
Ghi nhận những kết quả sáng tạo từ các địa phương, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, các mô hình, ý tưởng và sáng kiến giúp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn rất được ủng hộ và đánh giá cao. Những hướng đi và cách làm tích cực mà nhiều địa phương đang triển khai cho thấy áp lực đổi mới mà Chính phủ yêu cầu đã len lỏi, tác động mạnh mẽ tới từng cấp, ngành, lĩnh vực và địa phương.