Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang lên

Tại buổi công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 3/12, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, cho biết: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định là yếu tố căn bản tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo ông Sandeep Mahajan, Việt Nam tăng trưởng liên tiếp trong các quý gần đây, trong tất cả các ngành, lĩnh vực đều có mức cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy hiệu quả của quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, đầu tư FDI khả quan, chỉ số giá tiêu dùng giảm, tỷ giá ổn định... đã làm tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là sự khác biệt lớn so với hơn một năm trước đây.

Các doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ảnh: Vũ Bắc - TTXVN


Xu hướng tâm lý kinh doanh trong khu vực đầu tư nước ngoài được cải thiện được phản ánh qua Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), chỉ số đánh giá thường xuyên về tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, chỉ số này đã tăng đáng kể trong 4 quý vừa qua. Chỉ số BCI trong quý 3/2014 đạt mốc cao kỷ lục trong 3 năm. Điều này thể hiện sự lạc quan tương đối của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho khu vực sản xuất đạt 51 điểm vào tháng 10, báo hiệu sự mở rộng liên tục của ngành này. Đây cũng là tháng thứ 14 liên tiếp chỉ số PMI duy trì trên mức giá trị quan trọng 50.

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc. GDP quý 3/2014 ước tăng 6,2% so với cùng kỳ 2013, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng 5,6% trong 9 tháng đầu năm. Tất cả các lĩnh vực kinh tế trừ dịch vụ trong 9 tháng đầu năm đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cũng kỳ năm ngoái. Chỉ số toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,7% so với cùng kỳ 2013. Sự phục hồi của ngành xây dựng cho thấy mức tăng chi đầu tư phát triển của Nhà nước. Ngành nông nghiệp cũng đã khởi sắc khi dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu 45 triệu tấn gạo trong năm 2014.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Khu vực này đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo ra một phần tư việc làm cho khu vực doanh nghiệp chính thức. Tuy nhiên, WB cũng đánh giá, kinh tế Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế như mức cầu nội địa tương đối thấp, sự kém hiệu quả của khối doanh nghiệp trong nước, khu vực tài chính.

Ông Sandeep Mahajan cho rằng, mức cầu nội địa tương đối thấp đã hạn chế đà phục hồi của nền kinh tế. Tăng trưởng doanh số bán lẻ - chỉ số đại diện cho tiêu dùng tư nhân, chỉ đạt mức 6,1% trong 10 tháng đầu năm 2014, thấp hơn đáng kể so với năm 2010.

Đặc biệt, điểm đáng lo ngại hiện nay là có sự tương phản giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là nguồn tăng trưởng quan trọng, thì khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải “vật lộn” với nhiều khó khăn.

Báo cáo của WB nêu rõ, năm 2013, trong 10 tháng đầu năm 2014, có khoảng 54.000 doanh nghiệp bị giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp mới thành lập lại giảm 6,5%.

Trong lĩnh vực tài chính, ông Sameer Goyal, chuyên gia WB đánh giá, Việt Nam có độ rủi ro về nợ thấp nhưng tổng mức nợ công và nghĩa vụ trả nợ gia tăng đang gây nhiều quan ngại. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng mặc dù tăng dần nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng thấp làm cản trở nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện đẩy nhanh tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng. “Tiềm năng để kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ có thể trở thành hiện thực khi có tiến bộ thực sự trong việc giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng - hiện đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới”, bà Kwakwa nhấn mạnh.

Quốc Huy
Thiếu công nghiệp phụ trợ khó thu hút đầu tư nước ngoài
Thiếu công nghiệp phụ trợ khó thu hút đầu tư nước ngoài

Tại hội nghị doanh nghiệp (DN) Đức khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 14 vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với hơn 700 DN đến dự, rất nhiều DN mong muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN